Bộ Tư pháp lý giải về "bội thực" kế hoạch nhưng không có cơ sở pháp lý

15:37, 20/01/2016
|

(VnMedia)- Hiện nay, Bộ Tư pháp yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng quá nhiều loại Kế hoạch nhưng không có cơ sở pháp lý về việc xây dựng Kế hoạch này. Bộ Tư pháp lý giải ra sao về vấn đề này?

Hiện nay, Bộ Tư pháp yêu cầu các Bộ, ngành xây dựng quá nhiều loại Kế hoạch nhưng không có cơ sở pháp lý về việc xây dựng Kế hoạch này, như Kế hoạch về quản lý xử lý vi phạm hành chính hàng năm. Một số loại Kế hoạch có nội dung trùng lặp (Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật chung và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính...) hoặc nhiều kế hoạch không thực tiễn vì nội dung nhỏ và đã gắn với hoạt động chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị (Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị...; Kế hoạch sơ kết Nghị định số 59 về theo dõi thi hành pháp luật...).

Liên quan đến những thắc mắc này, Bộ Tư pháp cho rằng, trong hoạt động quản lý ở bất kỳ lĩnh vực, phạm vi và cấp độ nào, kế hoạch công tác có vai trò hết sức quan trọng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đại diện Bộ Tư pháp, "kế hoạch là cơ sở, đồng thời là công cụ để quản lý, điều hành; là thước đo khách quan để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các đối tượng được giao nhiệm vụ. Căn cứ vào kế hoạch, chủ thể quản lý mới có phương án phù hợp để huy động và cân đối, phân bổ nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí) để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu đã định. Việc xây dựng kế hoạch công tác xuất phát từ nhu cầu quản lý điều hành của chủ thể quản lý, không phụ thuộc vào việc có văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính quy định việc xây dựng kế hoạch đó hay không. Nói cách khác, không nhất thiết phải có căn cứ pháp lý mới được xây dựng hoặc yêu cầu/đề nghị xây dựng kế hoạch công tác".

Những năm gần đây, quán triệt phương châm “quản lý bằng kế hoạch và trên cơ sở kế hoạch”, Lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo xây dựng các kế hoạch công tác, nhất là kế hoạch công tác theo lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong toàn Ngành. Tùy theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ chuyên môn, ở phần tổ chức thực hiện những kế hoạch đó, Bộ Tư pháp thường yêu cầu/đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai nhiệm vụ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong toàn quốc. Những yêu cầu/đề nghị này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, bởi mỗi Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có phạm vi triển khai nhiệm vụ khác nhau và có những điều kiện đặc thù riêng mà kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp không thể bao quát hết được. Tùy từng trường hợp cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có thể xây dựng kế hoạch riêng để triển khai nhiệm vụ hoặc ghép phương án triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ vào chung một kế hoạch.

Trong khi đó, về ý kiến: “Một số loại Kế hoạch có nội dung trùng lặp (Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật chung và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính...)”, Bọ Tư pháp cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngày 29/12/2014, Bộ Tư pháp có Công văn số 1347/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc xây dựng Kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

Hai kế hoạch trên là khác nhau. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, và giảm bớt thủ tục hành chính, các Bộ, ngành, địa phương có thể ban hành kế hoạch chung, trong đó bao gồm nội dung kế hoạch về công tác theo dõi thi hành pháp luật và nội dung kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; không nhất thiết phải xây dựng hai kế hoạch riêng cho hai nhóm nhiệm vụ này.

Về ý kiến: “Nhiều loại kế hoạch không thực tiễn vì nội dung nhỏ và đã gắn với hoạt động chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị (ví dụ Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị…)”, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020” được ban hành ngày 11/3/2015 theo Quyết định số 452/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Theo lý giải, do Đề án được phê duyệt sau khi đã có Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2015, nên để bảo đảm Đề án được triển khai thống nhất, hiệu quả ngay trong năm đầu tiên, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án. Khi triển khai các hoạt động trọng tâm của Đề án, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện lồng ghép trong triển khai các hoạt động phổ biến pháp luật xác định tại kế hoạch chung về PBGDPL của Bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm nguồn lực.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng ban hành quá nhiều kế hoạch trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng và kế hoạch công tác tư pháp nói chung, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để hướng dẫn đổi mới công tác xây dựng kế hoạch theo hướng xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác tư pháp nói chung, trong đó có các lĩnh vực cụ thể. Đối với việc triển khai một số đề án, văn bản đột xuất thì Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cách thức xây dựng các kế hoạch một cách cụ thể, có thể đề xuất xây dựng kế hoạch riêng cho năm đầu tiên triển khai đề án, văn bản còn các năm tiếp theo thì đưa vào kế hoạch chung về công tác tư pháp của các Bộ, Ngành, địa phương.


Ý kiến bạn đọc