Hung thủ giết 2 bố con ở Thạch Thất đối mặt án tử

08:19, 17/12/2015
|

(VnMedia)- Với hành vi giết chết hai người, đâm trọng thương hai người khác, hung thủ Nguyễn Văn Kỳ sẽ phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc nào của pháp luật?

Vừa qua, dư luận cả nước lại bàng hoàng trước vụ giết chết 2 bố con và gây thương tích cho 2 thành viên khác trong gia đình tại thôn 9, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Theo điều tra ban đầu cho biết, sáng 7/12, gia đình ông Nguyễn Lương Chuân (57 tuổi, trú tại thôn 9, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và vợ là bà Nguyễn Thị Năm (53 tuổi) cùng các con là anh Nguyễn Lương Tuân (33 tuổi), Nguyễn Lương Chỉnh (27 tuổi), vợ anh Tuân là chị Nguyễn Thị Bình (29 tuổi), cùng 3 cháu nhỏ là con anh Tuân sinh sống cùng một căn nhà 2 tầng tại thôn 9 đang ngủ thì phát hiện có 1 đối tượng đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản.

Ông Chuân cùng anh Chỉnh đuổi và giữ được đối tượng thì bị đối tượng dùng dao nhọm đâm gây thương tích nặng, còn bà Năm, anh Tuân chạy ra cũng bị đối tượng đâm vào đùi bà Năm và đâm vào vai của anh Tuân. Sau đó đối tượng trèo qua tường chạy thoát.

Hung thủ Nguyễn Văn Kỳ
Hung thủ Nguyễn Văn Kỳ

Ông Chuân, bà Năm, anh Tuân, anh Chỉnh được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thạch Thất. Do vết thương nặng nên ông Chuân, anh Chỉnh đã tử vong.

Đối tượng Nguyễn Văn Kỳ (45 tuổi, trú ở thôn 3, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) là người đã thực hiện hành vi đâm chết 2 bố con trong quá trình truy đuổi Kỳ đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản.

Đối tượng Nguyễn Văn Kỳ có 3 tiền án về tội tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý và 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Kỳ vừa được ra tù tháng 5 năm 2015 về địa phương nghiện hút ma túy, không có nhà ở, không có việc làm nên sinh sống tạm bợ tại một lán nhỏ thuộc thôn 3 xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi liệu với hành vi phạm tội này, Nguyễn Văn Kỳ phải nhận hình phạt như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm: Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” 

Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

Hành vi phạm tội của đối tượng gây ra vụ thảm sát là đặc biệt nghiêm trọng không những xâm mạng đến tính mạng của nhiều người mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong sự việc này, đối tượng Nguyễn Văn Kỳ đã chuẩn bị dao khi đột nhập vào gia đình để trộm cắp tài sản và sẵn sàng sử dụng nó trống trả lại khi phát hiện.

"Pháp luật buộc đối tượng phải nhận thức được dùng dao là hung khí nguy hiểm khi sử dụng chống trả lại sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác. Hậu quả chết người xảy ra thì đối tượng phải chịu trách nhiệm tương ứng về hành vi Giết người. Trong quá trình chống trả lại, đối tượng còn đâm bị thương cho 2 thành viên khác trong gia đình. Như vậy, đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội Giết người với hậu quả chưa đạt", luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.

Mặt khác, cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong vụ án này, đối tượng khi phạm tội nhân thân có 4 tiền án, mới được ra tù tháng 5/2015 nên sẽ thuộc trường hợp phạm tội lần này là tái phạm nguy hiểm.

Như vậy trong khoảng một thời gian ngắn, đối tượng đã phạm 02 tội đặc biệt nghiêm trọng được qui định tại Bộ Luật Hình sự đó là Tội Giết người và Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, g, p khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình sự và Điều 133 Bộ Luật Hình sự.

Điều 93. Tội giết người 

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

p) Tái phạm nguy hiểm

Điều 133. Tội cướp tài sản 

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.


Ý kiến bạn đọc