Ngày 7/5/2014, HĐXX TAND Tối cao tại Hà Nội phiên phúc thẩm đã tuyên y án Sơ thẩm với Dương Chí Dũng là hình phạt tử hình về tội tham ô và 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Dương Chí Dũng, người bị tuyên án tử hình vì tham ô và cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |
Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 10 đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi (tạm gọi Bộ luật Hình sự 2015) với đa số phiếu. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự.
Nội dung tại điểm c, khoản 2 điều 1, Nghị quyết quy định: Kể từ ngày Bộ luật Hình sự này được công bố, đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự này, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Dẫn chiếu đến điểm c khoản 3 Điều 40 cho thấy: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ (ba phần tư) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Dư luận băn khoăn về việc liệu những người đã bị kết án tử hình như Dương Chí Dũng, nếu đã nộp ¾ (ba phần tư) tài sản tham ô thì sẽ được chuyển từ TỬ HÌNH sang CHUNG THÂN.
Bày tỏ quan điểm lạc quan về việc bỏ tử hình với những trường hợp kiểu như thế này, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) đã có những lý giải kỹ lưỡng, qua bài trả lời phỏng vấn với PV Infonet dưới đây:
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP. HCM) |
Thưa luật sư, dư luận hiện đang rất băn khoăn với việc thông qua BLHS 2015, nhiều tội danh sẽ không còn, và 7 tội danh sẽ không còn án tử hình. Điều đáng nói với những người tham nhũng như Dương Chí Dũng nếu nộp 3/4 tiền tham ô sẽ được chuyển sang chung thân. Luật sư có quan điểm ra sao về vấn đề này?
So sánh một số nước, nhất là quốc gia cạnh bên chúng ta là Trung Quốc thì án tử hình đối với nhóm tội tham nhũng là được áp dụng và thi hành rất lớn, nhưng xem ra, việc tử hình hàng loạt quan chức tham nhũng ở Trung Quốc chưa thấy có dấu hiệu rõ rệt việc chặn đứng án tham nhũng ở quốc gia này.
Tuy nhiên, với các quốc gia có nền tư pháp tiên tiến như Mỹ và đa số các quốc gia thành viên Châu Âu không có án tử hình về tội danh tham nhũng nhưng án tham nhũng của các viên chức nhà nước ở các quốc gia ấy là hiếm, thậm chí có thể khẳng định là không có trong những thập kỷ gần đây.
Như vậy, biện pháp tử hình có phải là biện pháp trừng phạt thích đáng để ngăn ngừa hay không thì không thể kết luận rằng “có thể có”.
Dân gian thường truyền miệng câu “Hy sinh đời bố củng cố đời con” thì với biện pháp mới để người phạm tội thoát án tử hình có được con đường sống là phải giao nộp lại tài sản tham nhũng cho quốc gia để được thoát án tử cũng là để hạn chế việc tẩu tán tài sản tham nhũng.
Vậy điều đó không nên băn khoăn quá sớm.
Xin luật sư giải đáp cho bạn đọc trường hợp của Dương Chí Dũng có thể chuyển sang chung thân được không?
Chúng ta nên nhớ, quy định về việc giao nộp ít nhất ¾ tài sản tham nhũng chỉ là yếu tố “cần” chứ chưa “đủ”. Vì để được chuyển từ án tử hình sang hình phạt tù chung thân thì còn phải có thêm một trong những điều kiện nữa mới đủ. Đó là, người bị kết tội tham nhũng phải “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Như vậy, hiện nay dù ông Dương Chí Dũng có nộp lại ¾ tài sản tham nhũng thì cũng chưa thể được xem là thoát án tử hình. Căn cứ điểm b, khoản 2, điều 1 Nghị quyết thi hành BLHS thì “…các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016. Do đó, nếu Dương Chí Dũng thỏa mãn được các điều kiện “cần” và “đủ” như tôi đã nói ở trên thì ông ấy có thể được chuyển từ hình phạt tử hình sang hình phạt chung thân.
Dư luận vẫn băn khoăn về việc hiệu quả phòng chống tham nhũng sẽ giảm xuống nếu quy định nộp lại ba phần tư tài sản thì được giảm án, ý kiến của luật sư như thế nào?
Theo tôi, việc chuyển hình phạt từ tử hình xuống chung thân có điều kiện như trên, không chỉ là một biện pháp vừa trừng phạt thích đáng tội phạm tham nhũng, mà còn mở ra cơ hội để nhà nước thu hồi lại tài sản của nhân dân, đồng thời nhanh chóng khám phá những vụ án tham nhũng khác có liên quan đến người có hành vi phạm tội tham nhũng khác thông qua việc bị can, bị cáo, bị án lập công chuộc tội, tránh việc “giết người bịt miệng”, nếu có, bằng một bản án, sau đó nhanh chóng đưa đi thi hành để ai đó có thể bịt đầu mối.
Do đó, tôi thấy về vấn đề này cần sự đồng tình của dư luận xã hội để các tài sản tham nhũng phải được trả về lại cho nhân dân và những tội phạm tham nhũng trong bóng tối sẽ phải bị lôi ra trước ánh sáng, trước công lý.
Nếu đánh giá chung nhất, nhiều người cho rằng BLHS mới thông qua có nhiều điểm tiến bộ, quan điểm của luật sư như thế nào?
Tôi thấy quan điểm này là đúng, vì lần đầu tiên trong hoạt động lập pháp của Việt Nam, chủ thể là “pháp nhân” đã được đưa vào bộ luật hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự về một số phạm pháp trong hoạt động kinh tế và môi trường.
Điều đặc biệt là những trẻ chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự với một số tội danh được cụ thể hóa hơn bộ luật hình sự hiện nay.
Ngoài ra, việc bỏ một số tội danh “có cũng như không” hoặc bỏ án tử hình đối với một số tội danh cũng là sự tiến bộ trong quá trình lập pháp vừa rồi của Quốc hội.
Xin cảm ơn luật sư!
Ý kiến bạn đọc