Những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có thể chọn được cho mình chiếc xe với giá vừa túi tiền mà lại đảm bảo chất lượng tốt.
Lý tưởng nhất khi mua một chiếc xe cũ là được chính hãng đảm bảo về chất lượng và chế độ bảo hành đi theo, như Toyota, Mercedes-Benz… Do đó, nếu có được thỏa thuận với chủ xe để đến một đại lí chính hãng kiểm tra bằng máy chuyên dụng thì đó cũng là một yếu tố làm mọi người yên tâm.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được điều này. Do vậy, nếu đi cùng một người bạn, người quen hiểu biết về xe, hoặc bản thân có những kiến thức cơ bản về xe, thì khi đứng trước một chiếc xe cũ, bạn cũng không có cảm giác "ngợp", hoang mang, lúng túng.
Dưới đây là một số kinh nghiệm sẽ hữu ích khi cần đánh giá một chiếc xe cũ:
Thân xe
Thân xe là phần dễ tân trang nhất. Tuy nhiên, một chiếc xe đã qua khâu “gò hàn - vá víu” chắc chắn sẽ không có sự đồng nhất với lớp vỏ/sơn vốn được thực hiện bằng máy từ trong hãng sản xuất. Do đó, các vết lồi lõm, các mảng sơn khác màu, ánh phản quang không đồng nhất sẽ là yếu tố để bạn đánh giá mức độ "nguyên bản" của thân vỏ.
Lốp, hệ thống giảm xóc
Cả bốn chiếc lốp có mòn đều không, đã đến thời điểm phải thay hay chưa? Ngoài ra, các vết “chém” trong quá trình vận hành hay các vết phồng rộp có lí do từ chất lượng lốp sẽ là những điểm trừ vào giá xe.
Còn với hệ thống giảm xóc, việc lái thử ở các loại địa hình khác nhau sẽ giúp bạn phát hiện tiếng kêu bất thường phát ra từ hệ thống giảm xóc; cùng phản ứng của hệ thống này (nhẹ nhàng hay quá cứng…) sẽ là những dấu hiệu cho bạn hiểu thêm về chiếc xe.
Ngoài ra, đừng ngại ngó xuống các hốc giảm xóc, những vệt dầu loang hay độ lún không đồng đều của các lò xo giảm chấn sẽ giúp bạn có những đánh giá chuẩn xác hơn.
Trang bị kiến thức khi mua xe |
Hệ thống đèn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn và người thân. Hãy kiểm tra kĩ cụm đèn pha/đèn hậu/đèn báo rẽ xem có dấu hiệu của sự va chạm, hàn gắn hay không.
Ngoài ra, hãy yêu cầu chủ xe bật công-tắc để xem hệ thống đèn có hoạt động đúng quy cách hay không.
Bảng điều khiển
Bảng đồng hồ, bảng điều khiển cùng các nút bấm phải được hoạt động bình thường, các thông số phải được quan sát dễ dàng từ vị trí người lái, độ mòn của các phím/nút bấm sẽ cho bạn thêm thông tin về tần suất sử dụng.
Hệ thống điều hòa
Cũng như các thị trường nhiệt đới khác, hệ thống điều hòa là một điều tối quan trọng với người mua xe ô tô tại Việt Nam. Đây có lẽ là tính năng cần kiểm tra ngay sau khi khởi động động cơ: độ lạnh có nhanh không? Tiếng ồn của hệ thống quạt gió và điều hòa có chấp nhận được hay không? Ngoài ra, khi lái thử, hãy dừng xe trước đèn đỏ hay bất kể đâu trong 3 phút dưới trời nắng để có đánh giá chính xác nhất về khả năng làm mát của chiếc xe.
Những việc cần làm khi lái thử xe
Bạn hãy nhớ rằng, việc mở nắp khoang động cơ lên chỉ có thể giúp bạn kiểm tra các loại nước làm mát và dầu. Việc kiểm tra động cơ có bị tác động, sửa chữa không nhất thiết phải do các nhân viên của hãng có đủ máy móc để loại trừ việc chiếc xe đã bị mở động cơ ra sửa chữa hay dính lỗi thủy kích.
Tuy nhiên, việc khởi động máy và lắng nghe tiếng động cơ sẽ cho bạn biết những tiếng kêu khác lạ của kim loại, của các bộ phận bị rung chấn…
Ngoài ra, những kinh nghiệm đơn giản khi sử dụng hộp số sẽ cho bạn thấy sự trơn tru, các bước số di chuyển dễ dàng, không có tiếng động lạ hoặc đối với hộp số sàn, ly hợp hoạt động đúng cách (ngắt hết) giúp vào số nhẹ nhàng…
Phanh
Nếu có cơ hội, hãy thử phanh ở nhiều điều kiện mặt đường để chắc chắn rằng hệ thống hoạt động tốt: thời gian đạp phanh có trễ nhiều không? Lực phanh tác động giúp xe có dừng lại ngay không hay có quán tính quá lớn? Các thông tin này cũng cho bạn thêm thông tin về chiếc xe.
Ngoài ra, nếu được hãy tìm cách lái thử xe qua nhiều loại địa hình khác nhau: những tiếng động lạ từ giảm xóc khi vào ổ gà, độ ồn vọng vào khoang động cơ, các tiếng lục cục dưới gầm xe (từ thước lái) khi đánh hết lái sang hai bên… đều là những dấu hiệu không thể bỏ qua khi muốn tìm được chiếc xe phù hợp cho mình.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc