Dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được thực hiện trước mắt tại 5 thành phố lớn đầu tiên với mức phí kiểm định khí thải khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lần/xe/2 năm.
Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương khác chủ động, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải công bố lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại địa phương.
Mức phí kiểm định 100.000-150.000 đồng
Thực tế, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các thành phố lớn với hàm lượng bụi lơ lửng trung bình giờ ở ven đường tại các thành phố vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đặc biệt, mức độ phơi nhiễm của người tham gia giao thông nhất là người đi xe máy cũng vượt giới hạn cho phép 2 - 3 lần...
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, 70-90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông vận tải, chỉ 10 - 30% là do công nghiệp và sinh hoạt.
Một tính toán tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hydro carbon (HC); 87% carbon oxit (CO); 57% oxit Nitơ (NOx)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và, xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.
Xe máy là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm không khí |
Mặc dù vào tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố nhưng đến nay đề án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Lý giải điều này, cơ quan soạn thảo dự thảo Đề án là Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân như việc kiểm tra khí thải xe máy là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều thành phần xã hội; chưa có căn cứ pháp lý đủ mạnh và chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền...
Dự thảo cũng đưa ra tính toán sơ bộ về mức phí kiểm tra khí thải khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lần/xe/2 năm. Đây là mức chi phí không đáng kể so với chi phí nhiên liệu hàng năm. Tuy nhiên, việc thu phí trực tiếp từ người dân được Cục Đăng kiểm cảnh báo có thể gây bức xúc vì người sử dụng xe máy đa số là người có thu nhập chưa cao.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kiến nghị hỗ trợ cho việc kiểm tra khí thải từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu dựa trên số lượng xe được kiểm tra khí thải. Theo đó, có thể đưa ra cơ chế để người đưa xe đi kiểm định không phải trả tiền, cơ sở kiểm định được bồi hoàn tiền phí từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng như kinh nghiệm của Đài Loan hay nguồn kính phí được cấp theo quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, phía Cục Đăng kiểm nhìn nhận, các đại lý được ủy quyền chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp là lực lượng chính tham gia thực hiện kiểm tra khí thải xe máy vì số lượng các đại lý được ủy quyền đủ khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm tra khí thải.
Theo thống kê hiện nay, chỉ tính riêng 5 nhà sản xuất xe môtô, xe gắn máy lớn là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đã có hệ thống lên đến 1.526 đại lý trên cả nước, riêng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) là 529 đại lý sẽ đủ kiểm định khí thải cho 8,7 triệu xe máy vào năm 2022.
Chia lộ trình soi xe “nhả khói”
Dự thảo Đề án cũng đề xuất không thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy trong 5 năm đầu sử dụng như kinh nghiệm của Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ... bởi xe còn tương đối mới, đã được kiểm tra lần đầu lúc xuất xưởng hoặc nhập khẩu và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, lộ trình kiểm tra khí thải xe máy tại các nước cũng phải trải qua thời gian tương đối dài.
Theo đó, Đề án cho rằng, kiểm tra khí thải xe máy nên được thực hiện tập trung trước mắt tại các thành phố lớn, trực thuộc Trung ương-nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương khác chủ động, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải công bố lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại địa phương.
Ngay tại các thành phố lớn, trực thuộc Trung ương cũng cần phải có thời gian chuẩn bị cần thiết ít nhất là 5 năm để xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền vận động dân.
Do vậy, đa số các ý kiến nhất trí lộ trình được thực hiện trước tiên đối với các xe có dung tích xy lanh lớn từ 175cm3 trở lên. Đây là những xe phân khối lớn, có số lượng ít, không phải là phương tiện giao thông phổ biến hiện nay, chủ sử dụng đều là những người có điều kiện. Việc kiểm tra khí thải sẽ được thực hiện ngay tại các Trung tâm đăng kiểm ôtô đang lưu hành, nơi có sẵn cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo nên hoàn toàn khả thi.
Đối với các xe có dung tích xy lanh dưới 175cm3 do có số lượng rất lớn nên phải có lộ trình triển khai ít nhất 5 năm (2020 - 2025). Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm và phương án về vấn đề này.
Cụ thể, theo phương án 1, không quy định ngay một lộ trình dài hạn cho 10 năm tới mà trước mắt chỉ thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên (thực hiện từ ngày 1/7/2018, ước tính có khoảng 15.200 xe được kiểm tra khí thải).
Theo phương án 2, Ban hành ngay một lộ trình dài hạn bằng cách chia đối tượng kiểm tra khí thải theo tuổi sử dụng xe vì xe càng cũ thì mức phát thải gây ô nhiễm càng lớn. Trước tiên, thực hiện kiểm tra khí thải đối với các xe cũ trên 15 năm sử dụng (từ 1/7/2020, khoảng 6 triệu xe); sau đó đến các xe có niên hạn 10 năm (từ 1/7/2022, khoảng 4 triệu xe), 5 năm (từ 1/7/2025, ước tính có khoảng 12 triệu xe).
Phương án 3 cho rằng nên tiếp tục chia đối tượng kiểm tra khí thải theo dung tích xy lanh động cơ vì lượng phát thải tỷ lệ với độ lớn của dung tích xy lanh như loại 150cm3 (từ 1/7/2020); từ 1/7/2022 đối với xe có dung tích xy lanh động cơ từ 105cm3 trở lên; từ 1/7/2025 đối với tất cả xe máy thuộc đối tượng quy định.
Trước mắt, Dự thảo cũng đưa ra, từ nay đến 2020 sẽ triển khai kiểm tra khí thải xe máy có dung tích xy lanh động cơ từ 175cm3 trở lên tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đồng thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, phí, lệ phí thực hiện kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy...
Từ năm 2020 - 2022 và các năm sau, tập trung triển khai đồng loạt kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy tại các thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình.
Theo Vietnam Plus
Ý kiến bạn đọc