(VnMedia)- Công nghệ sơn 3-Wet của Ford sử dụng chất sơn đậm đặc, giúp tạo nên bề mặt sơn cứng cáp và chắc chắn hơn, đồng thời tăng khả năng chống chịu các vết xước, vết loang và ăn mòn do axit.
Có thể nói, chỉ với 3 vấn đề cơ bản là xước, loang lổ, và gỉ đã là quá đủ để trở thành nỗi ám ảnh của mọi chủ xe khi nói về nước sơn chiếc xe họ đang sở hữu. Duy nhất có một ngoại lệ, những người chủ xe Ford lại rất yên tâm khi biết rằng công nghệ sơn 3-Wet tiên tiến được áp dụng với phần lớn sản phẩm Ford tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương có khả năng tạo ra một nước sơn bền vững trước những hao mòn không ngừng nghỉ khi bạn sử dụng xe hàng ngày, không những thế còn có thể giữ được một vẻ ngoài nổi bật sau nhiều năm gắn bó.
“Công nghệ 3-wet paint của Ford sử dụng thành phần sơn đậm đặc, kết quả là tạo ra một nước sơn cứng cáp và bền vững hơn cho xe của bạn”, Richard Burt, Kỹ sư trưởng bộ phận kỹ thuật sản xuất ô tô và sơn xe của Ford Châu Á - Thái Bình Dương cho hay. “Hệ thống sơn đậm đặc là yếu tố quan trọng nhất: thành phần hóa học Ford lựa chọn để sử dụng cho sơn xe sẽ giúp các phần tử trong sơn có được liên kết tốt hơn, chặt chẽ và bền vững hơn, kết quả là tạo ra một bề mặt sơn cứng cáp và chắc chắn hơn đồng thời có khả năng chống chọi được các vết xước, các vết loang lổ và vết ăn mòn do axit.
Nồng độ đậm đặc hơn (của nhựa sơn và chất tạo màu) trong sơn đồng nghĩa với việc khi được phun lên thân xe, sẽ có nhiều thành phần rắn bám vào và lưu lại trên bề mặt của chiếc xe. Việc này khiến chất sơn dính chặt vào thân xe ngày càng mạnh hơn.
Ford Focus mới tại Việt Nam |
Bước đầu tiên trong hệ thống sơn của Ford được gọi là xử lý ban đầu. Tại đây, thân xe làm bằng kim loại thô sẽ được nhúng vào một loạt những bể tắm có tác dụng làm sạch, bào mòn kim thuộc và bảo vệ phần kim loại – cùng lúc, một lớp phosphate bảo vệ nữa sẽ được phủ lên thân xe. Sau đó, thân xe sẽ đi qua bước sơn tĩnh điện, nó sẽ được ngâm trong một bể tắm có dòng điện chạy qua, giúp lớp sơn liên kết với mặt kim loại và lớp phosphate.
Phương pháp ngâm thân xe bằng kim loại vào những bể tắm cho phép nước sơn bao phủ toàn bộ bề mặt của thân xe, cả bên trong lẫn bên ngoài. Sản phẩm của Ford trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn được phủ một lớp polyvinyl chloride để chống các vết loang lổ. Lớp bảo vệ này giúp phòng ngừa các vết loang lổ khi bị đá sỏi va chạm, điều có thể dẫn tới những vết gỉ sét trên xe.
Sau khi tất cả các công đoạn trên đã được hoàn thành, quá trình sơn 3-Wet mới bắt đầu. Thân xe được đưa qua 3 công đoạn phun sơn khác nhau: sơn lót, sơn lớp phủ màu nền và sơn lớp keo bóng.
Đầu tiên lớp sơn lót bảo vệ những nước sơn trước khi chiếc xe phơi mình trong môi trường, ví dụ như ánh nắng mặt trời, và giúp ngăn chặn các vết xước và vết loang lổ do lớp sơn lót có thể hấp thụ một phần va đập từ đá sỏi. Tiếp theo, lớp sơn màu và lớp sơn bóng sẽ mang lại cho chiếc xe màu sắc rõ ràng, sáng bóng và đồng thời cũng là thêm một lớp bảo vệ nữa.
“Ford còn có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà các nhà cung cấp sơn phải đảm bảo khi nói tới chất lượng và độ bền của nước sơn trên xe Ford” Burt cho biết thêm. “Nó không chỉ là tiêu chuẩn chung của ngành. Nó là tiêu chuẩn riêng của Ford”.
Để đảm bảo mọi bộ phận trong hệ thống sơn đạt tiêu chuẩn, Ford đã tạo ra một loạt những bài kiểm tra giúp đảm bảo mọi thứ ở điều kiện tốt nhất: từ mức độ chống xước và ố cho tới khả năng giữ độ bóng và màu sắc theo giời gian.
Một trong những bài kiểm tra có tên là Mar Resistance Test, giúp đo khả năng lớp sơn keo bóng có thể giữ được độ bóng. Trong bài kiểm tra này, các kĩ sư của Ford chà xát lên bề mặt của một tấm kim loại đã được sơn màu để xem độ bóng còn lại là bao nhiêu. Trung bình, tấm màu sử dụng phương pháp sơn đâm đặc 3-Wet giữ được khoảng 96% độ bóng, trong khi những tấm với sơn có độ đặc vừa chỉ có thể giữ được khoảng 62%. Nói cách khác, công nghệ sơn đậm đặc của Ford đã tăng khả năng giữ độ bóng tới 56%.
“Chúng tôi tiến hành thử nghiệm sâu rộng trong toàn bộ hệ thống sơn – bao gồm sơn tĩnh điện, lớp lót, lớp màu và lớp bóng- và thử cho mỗi phần của hệ thống với những thông số khác nhau về nhiệt độ, độ dày của sơn, thời gian sấy và thời gian chờ khô để tối ưu hóa quá trình sơn nhằm đạt hiệu suất tốt nhất có thể,” Burt cho biết. “Khi chúng tôi có một hệ thống sơn có thể tin cậy, chúng tôi có thể tối ưu hóa nó nhờ những cách kiểm soát quá trình đã có tại nhà máy này nhằm tạo ra nước sơn đẹp và bền nhất”.
Phương Vũ
Ý kiến bạn đọc