(VnMedia)-Trong hai ngày đầu năm mới 2016, giá xe máy Honda đồng loạt đội lên từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng so với đầu tuần. Các mẫu xe SH 150, SH mode, Lead…tiên phong tăng giá, với mức giá bán cao nhất hơn giá đề xuất tới 11 triệu đồng.
Khảo sát của VnMedia sáng 2/1 tại một số đại lý xe máy Honda chính hãng ở Hà Nội cho thấy, Honda Lead đang rơi vào tình trạng khan hàng, đội giá. Bất chấp việc đang được hưởng chiến dịch khuyến mại của Honda Việt Nam, giá bán lẻ mẫu xe này phiên bản cao cấp lên tới 41 triệu đồng, cao hơn 1 triệu đồng so với đầu tuần và cao hơn 2,5 triệu đồng so với giá đề xuất. Phiên bản tiêu chuẩn của mẫu xe này cũng có giá gần 40 triệu đồng, trong khi giá đề xuất chỉ 37,5 triệu đồng.
Honda SH 150i có giá bán cao hơn đề xuất tới 11 triệu đồng! |
Tăng giá cao nhất trong những ngày gần đây là SH 150i, bất chấp sự rầm rộ của chiến dịch triệu hồi hơn 12.000 xe do lỗi khóa thông minh. Hiện tại mẫu xe này được nhiều đại lý bán ra ở mức trên dưới 92 triệu đồng, cao hơn đầu tuần khoảng 2-3 triệu đồng và cao hơn giá đề xuất tới 11 triệu đồng! Phiên bản SH 125i cũng tăng lên 76 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất 9 triệu đồng.
Không chỉ SH 125i/150i mà đàn em SH cũng bị rơi vào tình trạng khan hàng, đội giá. Thời điểm hiện tại, giá SH mode bản tiêu chuẩn bán ra 56,5 triệu đồng, bản thời trang và cá tính bán ra 57,5 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất tương ứng 6 và 7 triệu đồng.
Mẫu xe ga bán chạy nhất của Honda là Air Blade cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng giá, khi giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng hiện ở mức 40,7, 42,7 và 44 triệu đồng cho các phiên bản thể thao, cao cấp và sơn từ tính, cao hơn tuần trước khoảng 500-700 nghìn đồng và cao hơn giá đề xuất từ 2,7-3 triệu đồng.
Air Blade có giá bán cao hơn đề xuất từ 2,7-3 triệu đồng |
Về phần mình, một trong những mẫu xe giúp đại lý Honda ‘hốt bạc’ là Vision cũng có mặt bằng giá mới cao hơn trước, bán ra phổ biến ở mức 33,5 -33,7 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất 3,5-3,7 triệu đồng, tùy từng đại lý.
Theo đại diện một đại lý Honda, giá bán xe trên thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố cung – cầu. Khi nguồn cung hạn chế, đại lý không cần phải bán lấy doanh số nên giá có thể cao hơn giá đề xuất và người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Ngược lại khi nguồn cung lớn, đại lý cần doanh số thì có thể bán thấp hơn giá đề xuất mà nhiều khi vẫn không có khách mua.
“Có thể từ chính sách hạn chế sản xuất để duy trì sức mua tốt của Honda khiến nguồn cung không dồi dào, giá đẩy lên cao. Điều này giúp đại lý Honda có lợi hơn nhiều mấy năm trước, cả đại lý và công ty Honda đều “khỏe” chứ không phải đại lý “chết” mà Honda vẫn “khỏe” như trước nữa” – vị đại diện này nhận định.
Ý kiến bạn đọc