(VnMedia)- Với nền tảng thành công cả trong sản xuất, kinh doanh cũng như hoạt động xã hội trong suốt 20 năm qua, Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) có cơ sở khi mong muốn nỗ lực tiếp tục duy trì sản xuất, đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô và xã hội Việt Nam trong tương lai.
* Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị giảm thuế ô tô
* Toyota sắp ra quyết định "sống còn" tại Việt Nam
Hàng loạt kỷ lục mới được thiết lập
Năm 2014 là năm thứ 19 Toyota có mặt tại Việt Nam và hãng xe Nhật đã lập hàng loạt kỷ lục, từ sản xuất đến bán hàng, dịch vụ sau bán hàng…Trong năm qua, TMV đã đạt được doanh số bán kỷ lục với 41.205 xe, tăng 24% so với năm 2013, góp phần tăng tổng doanh số bán cộng dồn tính đến thời điểm hiện tại lên trên xấp xỉ 310,000 xe. Cùng với thành công trong bán hàng, TMV cũng đạt được kỷ lục mới trong hoạt động dịch vụ với 590.000 lượt xe vào làm dịch vụ, tăng 13% so với năm 2013.Với nhiều hoạt động cải thiện chất lượng dịch vụ, TMV đã được ghi nhận ở vị trí số 1 về chỉ số hài lòng khách hàng trong lĩnh vực dịch vụ CSI, đánh giá bởi tổ chức nghiên cứu thị trường JD Power.
Bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 1996, sản lượng hàng ngày chỉ đạt trung bình 2 xe/ ngày, đến nay, cùng với những nỗ lực tăng năng lực sản xuất, cải thiện quy trình sản xuất và liên tục nâng cao tay nghề, nhà máy Toyota Việt Nam đã nâng sản lượng hàng ngày lên đến 127 xe, giúp mang đến cho TMV kỷ lục với về sản xuất với 34.778 xe trong năm 2014. Đặc biệt, vào ngày 24/3 vừa qua, chiếc xe thứ 300.000 đã xuất xưởng, đánh dấu 1 cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Toyota tại Việt Nam.
Toyota Việt Nam lập hàng loạt kỷ lục về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu... |
Là doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường ô tô, TMV luôn nỗ lực để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm, ông Yoshihisa Maruta – tổng giám đốc của TMV khẳng định. Với mong muốn gia tăng nội địa hóa, nhà sản xuất này đã kêu gọi thành công các nhà sản xuất phụ tùng ô tô thuộc tập đoàn ô tô Toyota đầu tư vào thị trường VN như Toyota Gosei, Boshuku… Đồng thời, TMV cũng đã thành lập lên trung tâm trưng bày các sản phẩm mà hãng mong muốn nội địa hóa và mời gọi các nhà sản xuất phụ tùng ô tô đến xem xét và nghiên cứu khả năng sản xuất cho các sản phẩm này. Chính vì vậy, trong năm 2014, TMV đã nội địa hóa thêm 2 phụ tùng, đó là: Ốp trần xe và tấm cách âm cách nhiệt cho cả 2 mẫu xe mới là Corolla và Vios. Bắt đầu với 3 nhà cung cấp đầu tiên trong năm 1997, cho đến nay, danh sách hệ thống các nhà cung cấp của TMV đã lên tới con số 18.
Không chỉ tập trung vào lắp ráp xe hơi cho thị trường nội địa, kể từ năm 2004, TMV đã đưa Trung tâm xuất khẩu phụ tùng ô tô Toyota đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động với giá trị xuất khẩu tăng dần theo từng năm. Đặc biệt trong năm 2014, TMV đã đạt được con số xuất khẩu ấn tượng với 40 triệu USD – ghi nhận thành tích mới trong lĩnh vực này và góp phần tăng tổng giá trị xuất khẩu cộng dồn của TMV lên đến 290 triệu USD. Hiện sản phẩm xuất khẩu của TMV bao gồm: bàn đàn chân ga, van điều hòa khí xả và ăng ten đã được xuất khẩu đến 13 nước trên thế giới.
Kể từ ngày đầu tiên thành lập, TMV không chỉ hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp ô tô, mà còn luôn phấn đấu trở thành một công dân tốt trong cộng động sở tại, để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Trong năm 2014, bên cạnh các hoạt động được thực hiện thường niên, TMV đã tiến hành triển khai 2 hoạt động mới là Chương trình đào tạo lái xe an toàn Toyota nhằm đạo tạo lên đội ngũ giảng viên hướng dẫn lái xe an toàn nòng cốt; đồng thời trở thành nhà tài trợ chính thức cho Giải bóng đá vô địch Quốc gia Toyota V-league 2015.
Toyota muốn tiếp tục sản xuất tại Việt Nam |
Bên cạnh đó, TMV đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước với tổng số thuế đã nộp trên 700 triệu USD trong năm 2014 và nâng tổng số thuế đóng vào ngân sách kể từ ngày thành lập đến nay lên trên 4 tỷ USD.
Tiếp tục đầu tư, cam kết lâu dài
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và khách hàng, TMV đã không ngừng mở rộng đầu tư để tăng cường năng lực sản lượng và nâng cao sự cạnh tranh của sản phẩm với tổng số tiền đầu tư đến nay là 154 triệu USD, riêng năm 2014, số tiền đầu tư lên tới gần 19 triệu USD, tập trung chủ yếu vào 02 lĩnh vực chính là: các dự án xe mới và dây chuyền sản xuất. Với việc liên tục mở rộng sản xuất và gia tăng đầu tư vào Việt Nam, TMV thể hiện cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam và tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí tại buổi công bố thành tựu và kế hoạch kinh doanh, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc TMV, cho biết, TMV sẽ tiếp tục giai đoạn phát triển mới với một hành trình chuyển động mới hướng tới tương lai và luôn là công dân tốt trong cộng đồng sở tại.
TMV đặt mục tiêu trong năm 2015 này với doanh số bán là 46.000 chiếc, tăng 13% so với năm 2014, sản xuất 41.000 chiếc, tăng 18%; đồng thời hướng tới vị trí số 1 về chỉ số hài lòng khách hàng trong cả dịch vụ và bán hàng. Về dịch vụ sau bán hàng, tăng 12% số lượt xe vào làm dịch vụ, lên 660.000 lượt, đưa Lexus trở thành nhãn hiệu xe sang số 1 tại Việt Nam…
Trả lời câu hỏi liên quan đến kế hoạch trong tương lai sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu giảm xuống bằng 0%, ông Yoshihisa Maruta khẳng định “Thông tin về việc TMV đang cân nhắc việc ngừng sản xuất tại Việt Nam là không chính xác. Là một nhà sản xuất ô tô đã có 20 năm hoạt động và phát triển tại Việt Nam, chúng tôi luôn mong muốn và nỗ lực hết sức để duy trì và phát triển sản xuất, cũng như đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nghành công nghiệp ô tô và xã hội Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, TMV sẽ nỗ lực hết sức để giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong muốn sẽ nhận được sự chung tay và hỗ trợ của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu này”.
Toyota tham gia các hoạt động xã hội như đào tạo lái xe an toàn |
“Nhìn về dài hạn, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường ô tô. So với Thái Lan, quy mô dân số Việt Nam gấp 1,5 lần nên khả năng trở thành một thị trường rộng lớn là chắc chắn. Tuy nhiên, cần có thời gian để phát triển quy mô thị trường. Việc sản xuất ô tô phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng. Nếu sản lượng xe bán ra tăng, phụ tùng, linh kiện sản xuất tại nội địa cũng sẽ tăng, sức cạnh tranh về chi phí sản xuất cũng tốt hơn.. Tôi hy vọng giai đoạn 2025 - 2030 phổ cập hóa ô tô sẽ diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngành sản xuất ô tô trong nước chưa kịp phát triển, chưa đủ sức cạnh tranh đã phải đối mặt với khó khăn thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018.
Vì thế, chúng tôi rất cần Chính phủ hỗ trợ để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước đến khi thị trường đạt quy mô lớn hơn. Để làm được điều này, những chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước là rất quan trọng. Các nền kinh tế ASEAN khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đều có những chính sách thuế phí tương tự nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và họ cũng đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô.” - ông Maruta phát biểu tại buổi tọa đàm về công nghiệp ô tô Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc