(VnMedia) - Trước nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa xe cơ giới, Cục Đăng kiểm vừa công bố một số trả lời liên quan:
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian gần đây, cơ quan nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến nội dung Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa xe cơ giới.
Để giúp bạn đọc có thêm thông tin liên quan đến nội dung trên, VnMedia xin đăng tải toàn bộ nội dung trả lời của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được cơ quan này công bố:
"Hỏi : Tại sao phải ban hành Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT?
Trả lời của Cục Đăng kiểm Việt Nam : Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ là công việc dự phòng cần thiết sau một chu kỳ vận hành nhất định nhằm mục đích tăng cường việc quản lý chất lượng phương tiện giữa hai kỳ kiểm định, duy trì trạng thái kỹ thuật tốt của xe cơ giới, phát hiện và khắc phục kịp thời các dấu hiệu hư hỏng, loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông.
Do vai trò quan trọng của công tác bảo dưỡng định kỳ đối với sự đảm bảo an toàn giao thông nên từ năm 1963, Bộ GTVT đã ban hành các quy định về chế độ bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới và duy trì liên tục bằng các văn bản: Quyết định 441-QĐ ngày 06/04/1963; Quyết định 694/QĐ/KT4 ngày 20/3/1979; Quyết định 992/2003/QĐ-BGTVT ngày 09/04/2003. Đến nay, các cơ sở để ban hành Quyết định 992/2003/QĐ-BGTVT đã hết hiệu lực nên cần phải có Thông tư thay thế và bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Đã có việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thông qua công tác kiểm định, tại sao xe cơ giới lại phải bảo dưỡng định kỳ?
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe cơ giới khi tham gia giao thông phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và việc kiểm tra hiện nay đang được thực hiện thông qua công tác kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Kiểm định là chức năng quản lý nhà nước, thực hiện việc tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới để chứng nhận xe cơ giới có đủ điều kiện tham gia giao thông.
Theo Cục Đăng kiểm, chưa xử lý xe cá nhân không bảo dưỡng định kỳ |
Xe cơ giới khi đi kiểm định có phải xuất trình Sổ bảo dưỡng, sửa chữacho đơn vị đăng kiểm không?
Theo quy định tại Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT và các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới thì khi đi kiểm định chủ xe, lái xe không phải xuất trình Sổ bảo dưỡng, sửa chữa cho đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa có cần phải phải được kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận để được thực hiện bảo dưỡng và xác nhận vào Sổ bảo dưỡng, sửa chữa của xe cơ giới hay không?
Các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa không cần phải kiểm tra, đánh giá để được thực hiện bảo dưỡng và xác nhận vào Sổ bảo dưỡng, sửa chữa của xe cơ giới. Tuy nhiên cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải có trách nhiệm theo quy định tại Điều 11 và trách nhiệm bảo hành nội dung bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định tại Thông tư 53/2014/TT-BGTVT
Chủ xe có thể đến bất kỳ cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa nào để thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa xe cơ giới?
Chủ xe có thể lựa chọn bất kỳ cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa có chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phù hợp để thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa cho xe cơ giới.
Hiện nay có ý kiến chủ xe phản ánh chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa của một số cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa không đạt yêu cầu. Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định trách nhiệm bảo hành của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa để quyền lợi của chủ xe hay không?
Theo quy định tại Thông tư 53/2014/TT-BGTVT, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa có trách nhiệm bảo hành các nội dung bảo dưỡng, sửa chữa của xe cơ giới để đảm bảo quyền lợi cho chủ xe, cụ thể như sau: Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 02 tháng hoặc 1.500 km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng.
Chế tài xử phạt đối với các xe cơ giới không thực hiện bảo dưỡng định kỳ?
Đối với các xe kinh doanh vận tải sẽ quy định kiểm soát công tác bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa thông qua việc cấp phù hiệu và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đối với phương tiện không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận tải, do hiện nay đa số đã tự thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo quy định của nhà sản xuất nên trước mắt chưa quy định chế tài. Sau một thời gian triển khai thực hiện, Bộ GTVT sẽ tổng kết và đánh giá hiệu quả, nếu thấy rằng việc thực hiện quy định giúp nâng cao an toàn giao thông thì sẽ trình Chính phủ bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ đối với chủ xe vi phạm quy định về Bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định tại Thông tư 53/2014/TT-BGTVT.
Có phải cứ 6 tháng thì xe cơ giới phải thực hiện bảo dưỡng một lần?
Về nội dung và chu kỳ bảo dưỡng:
- Trường hợp 1: Đối với xe cơ giới có quy định của nhà sản xuất: Thực hiện theo đúng quy định của nhà sản xuất;
- Trường hợp 2: Đối với xe cơ giới không có quy định của nhà sản xuất: Cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải xây dựng nội dung bảo dưỡng phù hợp với từng loại xe theo quy định tại Phụ lục II của Thông tư 53/2014/TT-BGTVT.
Như vậy, không phải cứ 6 tháng thì xe cơ giới phải đi bảo dưỡng mà tùy thuộc quy định của nhà sản xuất xe, chỉ những xe không có thông tin gì về quy trình bảo dưỡng của nhà sản xuất (thường là xe đã qua sử dụng nhiều năm), cần phải quy định để chủ phương tiện thực hiện"./.
Tham khảo Thông tư 53/2014/TT-BGTVT: Download
Ý kiến bạn đọc