Xe nhỏ giá hợp lý sẽ lên ngôi

19:30, 21/02/2014
|

(VnMedia)- Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta cho rằng trong một vài năm tới, xe nhỏ giá hợp lý, tiết kiệm nhiên liệu sẽ tiếp tục được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.

PV: Nhìn một cách tổng quan, đâu là mặt được và chưa được của thị trường ô tô trong năm qua, thưa ông ?

Ông Yoshihisa Maruta: Từ phía Toyota Việt Nam (TMV), mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường ô tô trong năm 2013 đã có khả quan hơn với sự phục hồi của nền kinh tế, cộng với sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nhu cầu của thị trường cũng như giảm lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, theo tôi, thị trường Việt Nam là rất tiềm năng với dân số lớn, chi phí nhân công thấp, nguồn nhân lực dồi dào, chăm chỉ và có tay nghề cao và tỉ lệ sở hữu ô tô trên đầu người thấp...

Ảnh minh họa

Toyota Vios 2014 sắp về Việt Nam


Tuy nhiên, về lâu dài thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần phải tìm ra hướng đi đúng đắn để có thể tiếp tục phát triển nghành công nghiệp ô tô, và duy trì sản xuất, đặc biệt là từ năm 2018, khi thuế CEPT về bằng 0%, đồng thời đưa ra kế hoạch tổng thể, dài hạn và ổn định để có thể tiếp tục phát triển thị trường và giúp các doanh nghiệp đưa ra được kế hoạch phát triển kinh doanh trong tương lai.

Vậy đâu là cơ hội và đâu là thách thức của năm 2014 này ?

Năm 2014, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường ô tô Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, các hãng xe sẽ tiếp tục giới thiệu nhiều mẫu xe mới vào thị trường; điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ được hưởng lợi hơn, với nhiều lựa chọn hơn trong khi giá của các dòng xe nhập khẩu sẽ cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, với việc thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm theo lộ trình CEPT sẽ khiến cho thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Cùng với đó là nền kinh tế mới phục hồi một phần nên năm 2014 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức cho các nhà sản xuất ô tô.

Ông vừa nhắc tới thuế CEPT về 0% vào năm 2018. Theo ông đâu là thách thức mà các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam gặp phải và giải pháp để đối mặt với các thách thức này ?

Ảnh minh họa

 Ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam



Như quý vị có thể thấy rõ, hiện tại ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang phải đối mặt với các khó khăn hiện hữu như: Chính sách không rõ ràng, bất ổn, không nhất quán và thuế rất cao; thị trường nhỏ với quá nhiều mẫu xe; ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển; cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn rất thấp, đầu tư chưa thích hợp...

Theo tôi, để có thể duy trì được thị trường cho tới năm 2018, chúng ta cần phải có các kế hoạch cụ thể và nhất quán như: Từ phía Chính phủ, cần phải có kế hoạch phát triển dài hạn, toàn diện, ổn định và nhất quán; Tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam; VN cần phải phát triển cơ sở hạ tầng giao thông như hệ thống đường xá, nơi đỗ xe, cảng biển… để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội; Cải thiện các thủ tục hành chính tạo điều kiện thông thoáng và cạnh tranh cho môi trường đầu tư...

Mục tiêu cụ thể của Toyota trong năm nay là gì ?

Từ khi thành lập cho tới nay, TMV luôn đặt mục tiêu quan trọng nhất là duy trì sản xuất lâu dài và nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ tuân thủ chặt chẽ lộ trình của chính phủ và đưa ra các kế hoạch kinh doanh phù hợp trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để tiếp tục nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm bằng việc cắt giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm giữ vững vị trí đứng đầu trên thị trường ô tô Việt Nam.

Theo ông phân khúc xe nào sẽ hút khách trong năm nay ?

Theo tôi thì trong năm nay cũng như một vài năm nữa, phân khúc xe nhỏ, giá thành hợp lý, tiết kiệm nhiên liệu sẽ vẫn được ưa chuộng do các mẫu xe này phù hợp với đường xá tại Việt Nam và bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do đáp ứng nhu cầu sử dụng đa mục đích của chủ sở hữu nên xe đa dụng cũng sẽ là lựa chọn của nhiều khách hàng.

Việc thuế nhập khẩu giảm từ 60% xuống còn 50% sẽ tác động như thế nào đến  thị trường thị trường nói chung và Toyota nói riêng?

Đối với các nhà sản xuất ô tô, thuế nhập khẩu dòng xe nguyên chiếc giảm, sẽ tạo lợi thế cho các dòng xe nhập khẩu chứ không phải cho xe lắp ráp trong nước. Khi đó, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ gặp khó khăn do phải đối mặt với áp lực cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN, đặc biệt là từ Thái Lan hay Indonesia. Vì vậy, năm 2014 sẽ là năm nhiều thách thức, nhất là khi mà nền kinh tế chưa có sự tăng trưởng lớn

Về phía TMV, chúng tôi luôn mong muốn duy trì và phát triển sản xuất cũng như đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các chính sách và định hướng của Chính phủ trong thời gian tới.

Vậy đối với xe sang, nơi có hiện diện của thương hiệu chính hãng mới Lexus, thì sao thưa ông ?

Mặc dù quy mô tổng thị trường Việt Nam không lớn như một số nước khác trong khu vực, nhưng chúng tôi đã nhận ra tiềm năng lớn cho phân khúc xe sang từ sự tăng trưởng của nhóm khách hàng điều kiện kinh tế tốt. Điều này được thể hiện rõ ràng qua sự tăng dần về doanh số bán của các mẫu xe sang tại Việt Nam trong những năm gần đây. Trên thực tế, thị trường VN còn đang phát triển, vì vậy, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam đối với ô tô còn rất lớn và vẫn sẽ có nhiều cơ hội cho các hãng xe hơi tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong những năm gần đây thị trường xe hạng sang luôn chiếm khoảng từ 3 ~ 5% tổng thị trường xe hơi, và dự đoán năm 2014 cũng sẽ có xu hướng như vậy.

Xin cảm ông!


Quỳnh Trang - ghi

Ý kiến bạn đọc