Bị hạn chế, xe máy Việt Nam sẽ thụt lùi

07:40, 20/02/2014
|

(VnMedia)- Đó là thông điệp rất rõ ràng của Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) Masayuki Igarashi tại buổi họp báo ra mắt Hiệp hội này hôm qua, 19/2, tại Hà Nội.

* Sáng nay, ra mắt Hiệp hội xe máy Việt Nam

 

PV: Thưa ông, xin ông cho biết mục tiêu của VAMM khi thành lập ?

 

Ông Masayuki Igarashi: Mục tiêu của VAMM khi thành lập là xây dựng một diễn đàn kết nối các doanh nghiệp xe máy tại Việt Nam, áp dụng những công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo nên sản phẩm xe máy có chất lượng cao, an toàn, phù hợp với môi trường; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực sản xuất xe máy cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Hiệp hội cũng giữ vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất xe máy với Nhà nước để đóng góp ý kiến trong việc hoàn thiện chính sách liên quan đến lĩnh vực xe máy…


Ảnh minh họa

VAMM cảnh báo nếu bị hạn chế, xe máy tại Việt Nam
sẽ về nông thôn với công nghệ cũ.

 

VAMM đánh giá thế nào về chủ trương hạn chế, cấm xe máy trong thời gian tới, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ?

 

Đây là một trong những vấn đề lớn nhất mà VAMM cần tham gia giải quyết trong thời gian tới. Nếu các cơ quan chức năng hạn chế xe máy một cách cưỡng bức qua số lượng đăng ký, cấp biển số xe…thì đó là những biện pháp cưỡng chế, hạn chế, buộc chúng tôi phải chuyển hướng sản xuất xe máy cho thị trường nông thôn.

 

Tôi cho rằng việc phải hạn chế sản xuất xe máy cho khu vực đô thị - là những sản phẩm toàn cầu, công nghệ tiên tiến nhất – sẽ ảnh hưởng không tốt tới thị trường xe máy tại Việt Nam, người tiêu dùng sẽ không được dùng những sản phẩm công nghệ cao nhất.

 

Việc thành lập VAMM giúp người tiêu dùng có được lợi ích gì, thưa ông ? Chẳng hạn liên quan tới giá xe máy có được điều chỉnh giảm trong thời gian tới ?

 

Đóng góp của các thành viên VAMM là một quá trình và các doanh nghiệp sản xuất xe máy tại Việt Nam được các cơ quan chức năng đánh giá cao nhờ đóng góp tới 3,5% GDP. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự cố gắng của các thành viên VAMM thì hoạt động của VAMM ngày càng phát triển, qua đó sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước.

Ảnh minh họa

Ông Masayuki Igarashi (giữa) tại buổi ra mắt VAMM hôm qua, 19/2. ảnh ĐQ

 

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực liên kết với các Hiệp hội xe máy khác trên thế giới ở châu Á, châu Âu…để tăng cường mối quan hệ nhằm mục tiêu phát triển công nghệ xe máy theo hướng thống nhất tiêu chuẩn của xe máy trên phạm vi rộng.

 

Riêng về giá xe: các bạn biết rằng giá xe phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có các vấn đề về thuế khác nhau giữa các thị trường, do đó việc so sánh giá xe ở các thị trường khác nhau sẽ không hợp lý.

 

Ông có bình luận gì về sự khác nhau giữa các số liệu: VAMM cho biết đã có 37 triệu xe máy đang lưu hành, trong khi quy hoạch xe máy đến năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải lại khống chế xe đăng ký ở con số 36 triệu chiếc ?

 

Chúng tôi có nói tới số lượng xe đang lưu thông là 37 triệu chiếc. Còn số liệu xe đăng ký trong quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải thì chúng tôi chưa nắm được, thời gian tới VAMM sẽ làm việc với các đơn vị chức năng để xin số liệu này.

 

Hiện nay ngoài 5 liên doanh lớn nhất thị trường thì còn có các nhà sản xuất khác cũng như khá nhiều nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng. Vậy VAMM có sẵn sàng kết nạp những thành viên mới này không ?

 

Như tên gọi của Hiệp hội, VAMM sẵn sàng với các nhà sản xuất, còn các nhà phân phối thì không.

 

Thị trường ô tô đang có triển lãm ô tô thường niên, vậy VAMM có dự kiến tổ chức Triển lãm xe máy Việt Nam trong thời gian tới hay không ?

 

Một trong những mục tiêu hoạt động của VAMM là sẽ tiến hành các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các thành viên. Hiện chúng tôi chưa thể có cam kết nào về việc tổ chức triển lãm này nhưng sẽ xem xét tổ chức trong tương lai.

 

Xin cảm ơn ông !


Hữu Thọ - ghi

Ý kiến bạn đọc