(VnMedia)- Bản mới nhất của mẫu xe điện tự hành Toyota Winglet đã tạo cho người điều khiển cảm giác thú vị, phù hợp với mọi lứa tuổi khi di chuyển trên quãng đường ngắn.
Winglet dù được Toyota gọi là robot hỗ trợ chuyển động nhưng nguyên lý hoạt động và cách sử dụng tương tự với các loại xe điện tự hành (Segway) trên thị trường. Điểm khác biệt giữa Winglet với các xe điện hành khác là Winglet có kích thước và trọng lượng khá nhỏ gọn nên người dùng có thể xách tay thiết bị này khi không sử dụng hoặc … hết pin.
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn cách sử dụng Winglet. ảnh HT |
Trong chuyến công tác mới đây tại Nhật Bản, phóng viên VnMedia đã có cơ hội điều khiển một chiếc Winglet cỡ lớn, một trong ba loại Winglet mà tập đoàn Toyota đang thử nghiệm. Về hình thức, cấu tạo của Winglet khá đơn giản với hệ thống điều chỉnh cân bằng, mô tơ điện, pin giấu dưới hai tấm để chân, tất cả đặt trên hai bánh cao su đường kính khoảng 20 cm.
Hiện có 3 loại Winglet, cỡ lớn L, cỡ trung bình M và cỡ nhỏ S |
Với những người chưa từng điều khiển segway, cấu tạo của thiết bị này cho cảm giác thiếu an toàn bởi dễ đưa tới cảm giác sẽ có thể ngã sấp mặt về phía trước ngay ngã ngữa về phía sau khi đứng lên segway. Tuy nhiên, giống như các segway nói chung, Winglet có đặc điểm nổi bật là cơ chế tự cân bằng nhờ hệ thống điện tử, động cơ và con quay hồi chuyển trong xe, giúp cho xe dù chỉ có một trục chuyển động với hai bánh nhưng luôn ở trạng thái cân bằng.
Trung tâm của Winglet gồm hệ thống cân bằng, pin, mô tơ. ảnh engadget |
Do được thiết kế với mục đích hỗ trợ cá nhân di chuyển, đặc biệt hướng tới những người cao tuổi (Nhật Bản là một trong những nước có dân số già nhất thế giới, có tới 20% dân số có độ tuổi từ 65 trở lên - PV) nên cách sử dụng Winglet cũng khá đơn giản. Chỉ mất vài phút hướng dẫn của chuyên gia, chúng tôi đã có thể dễ dàng sử dụng, tiến, lui và chạy zic-zắc với Winglet. Bước lên Winglet, bật công tắc điện và bắt đầu di chuyển.
Cần điều khiển của Winglet cỡ lớn. ảnh engaget |
Khi muốn di chuyển về phía trước, người sử dụng chỉ việc ngả người một chút về phía trước và ngược lại, hơi ngả người về sau để xe di chuyển lùi. Việc tăng tốc hay giảm tốc phụ thuộc vào độ nghiêng của cơ thể. Khi trọng tâm của người điều khiển rơi vào chính giữa xe cũng là lúc xe sẽ dừng lại. Tuy nhiên cũng cần nhớ đây là thiết bị hỗ trợ di chuyển, việc thay đổi đột ngột trọng tâm và đặc biệt cách quá xa trục thẳng đứng sẽ có thể khiến người điều khiển bị ngã như thường.
Nếu cần rẽ trái hoặc rẽ phải, người lái chỉ cần điều chỉnh cần lái nghiêng về hướng cần rẽ. Việc hơi chùng chân bên phía hướng rẽ để tập trung trọng tâm hơn vào hướng đó sẽ khiến cho việc rẽ trái hay phải dễ dàng, uyển chuyển hơn. Do chỉ có một trục chuyển động với hai bánh và nhu cầu luôn đảm bảo thăng bằng nên Winglet không cho phép người điều khiển cua gấp.
Phấn khích khi làm chủ được Winglet. ảnh HT |
Được biết, hệ thống pin và động cơ điện giúp Winglet có thể di chuyển với tốc độ tối đa 6 km/h và quãng đường tối đa là 10 km. Thời gian sạc đầy pin chỉ khoảng 1 giờ. Do đang trong quá trình thử nghiệm nên thông tin chi tiết về sản phẩm vẫn chưa được công bố. Một số nguồn tin cho rằng Toyota sẽ sản xuất đại trà Winglet và tung ra thị trường vào năm 2015.
Hiện nay, các thiết bị tự hành đang được sử dụng khá phổ biến tại châu Âu và một số nước phát triển, chủ yếu dùng cho cảnh sát, hoạt động kiểm tra kiểm soát tại các khu vực công cộng như sân bay, siêu thị, nhà kho rộng…
Chùng chân giúp vào cua dễ hơn. ảnh HT |
Ý kiến bạn đọc