Xe ngoại giao ngoài luồng chây ỳ vì thuế cao

07:14, 06/09/2013
|

(VnMedia)- Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân chính khiến người sử dụng, quản lý xe ngoại giao ngoài luồng chưa đến làm thủ tục kê khai, chuyển nhượng là do số thuế phải nộp quá cao so với giá trị thực tế của xe.

 

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn số 11252/BTC-TCHQ gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị đóng góp ý kiến trước khi cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài được chuyển nhượng, sử dụng không đúng quy định. Trong nội dung dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thì đến ngày 15/8/2013, tổng số xe ô tô, xe gắn máy đã thu hồi giấy đăng ký, biển số xe và đến cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển nhượng là 129 chiếc. Tỷ lệ này được đánh giá là khá thấp so với số xe ngoại giao đang sử dụng không đúng quy định.

 

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chính mà người sử dụng, quản lý xe chưa đến cơ quan công án để làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe và đến cơ quan Hải quan làm thủ tục chuyển nhượng hoặc đã làm thủ tục kê khai nhưng không thực hiện nộp thuế là do số thuế phải nộp quá cao so với giá trị thực tế của xe tại thời điểm tính thuế.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho rằng xe ngoại giao ngoài luồng chưa làm thủ tục chuyển nhượng
vì thuế quá cao. ảnh minh họa: HT

 

Đơn cử như trường hợp chiếc xe Mercedes S320, động cơ 3,0 lít của ông Suparmin SunJoyo (Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và đã hết nhiệm kỳ tại Việt Nam năm 2004) tạm nhập năm 2000, đã chuyển nhượng cho ông Khổng Văn Khanh. Căn cứ vào quy định hiện hành thì thời điểm thay đổi mục đích sử dụng là năm 2004, nên số thuế phải nộp tại thời điểm chuyển nhượng là gần 1,44 tỷ đồng (thuế nhập khẩu hơn 486 triệu, thuế TTĐB 778 triệu, thuế VAT 175 triệu). Trong khi đó, giá trị thực tế trên thị trường của chiếc xe nêu trên hiện nay chỉ khoảng 450 triệu đồng theo ước tính của cơ quan Hải quan.

 

Ngược lại, nếu căn cứ vào chính sách thuế tại thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng (thời điểm hiện tại) thì thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và thuế VAT = 0 đồng vì xe nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam trên 10 năm, giá trị tính thuế bằng 0.

 

Trường hợp khác là ô tô Lexus LS600HL, động cơ 5,0 lít đời 2007 của ông Inthakham Vongxay (Tổng lãnh sự quán Lào tại TP.HCM, đã hết nhiệm kỳ tại Việt Nam năm 2011) tạm nhập năm 2008, đã chuyển nhượng cho công ty Nguyễn Huy. Căn cứ vào quy định hiện hành thì thời điểm thay đổi mục đích sử dụng là năm 2011, nên thuế phải nộp vào thời điểm chuyển nhượng là trên 1,67 tỷ đồng. Hiện giá trị thực tế trên thị trường của chiếc xe khoảng 2,7 tỷ đồng.

 

Nếu căn cứ chính sách thuế tại thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng (thời điểm hiện tại) thì số thuế phải nộp là trên 952 triệu đồng.

 

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giải quyết. Phương án thứ nhất là sau ngày 10/6/2013 mà chưa thực hiện thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe; hoặc đã thu hồi giấy đăng ký, biển số xe nhưng đến ngày 30/9/2013 chưa đến cơ quan Hải quan làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định thì tịch thu theo quy định.

 

Ở phương án 2, Bộ Tài chính linh động trong phương pháp tính thuế: là mức trung bình của thuế phải nộp tại thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng và thuế phải nộp tại thời điểm thay đổi mục đích sử dụng. Chẳng hạn trường hợp xe của ông Suparmin SunJoyo nêu trên, mức thuế phải nộp là (1,44 tỷ đồng + 0 đồng)/2 = 720 triệu đồng; hay trường hợp của ông Vongxay là (1,67 tỷ đồng + 952 triệu đồng)/2 = 1,3 tỷ đồng.


Hữu Thọ

Ý kiến bạn đọc