(VnMedia) - Mục đích của nội địa hóa là giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nếu giá thành mà không giảm được thì không tăng khả năng cạnh tranh cũng như quy mô thị trường được, từ đó cũng khó lòng tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Đó là ý kiến của ông Daisuke Bando, Giám đốc Ban kế hoạch chiến lược - Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) khi trao đổi với VnMedia xung quanh vấn đề tăng tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam.
- Thưa ông, xin ông cho biết tỷ lệ nội địa hóa của xe Toyota tại Việt Nam và TMV đã làm gì để tăng nội địa hóa ?
Ông Daisuke Bando: Trong bối cảnh quy mô thị trường nhỏ nên khó thu hút các nhà cung cấp chính thống, công nghiệp phụ trợ trong nước hầu như chưa có, trong khi yếu tố quyết định cho việc đầu tư này là sản lượng của sản phẩm ô tô lắp ráp phải cao (tối thiểu 1.000 xe/tháng), TMV đã phải tự tiến hành 2 loại đầu tư song song, là đầu tư nâng cao sản lượng lắp ráp đồng thời với đầu tư cho sản xuất phụ tùng ngay tại nhà máy của mình. Cụ thể: tháng 3/2004, TMV đã đưa xưởng dập đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động và đến tháng 8/2008, TMV tiếp tục đầu tư thêm Xưởng sản xuất khung xe đầu tiên với mục đích tăng cường tỉ lệ nội địa hóa cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho Innova, giúp nâng tỉ lệ nội địa hoá của Innova từ mức 33% trước đó lên 37% (theo phương pháp tính giá trị của ASEAN).
Khó khăn của các nhà sản xuất trong việc tăng nội địa hóa ô tô là thị trường, |
Nhờ hoạt động của Xưởng Dập và Xưởng khung gầm xe, cũng như nỗ lực không ngừng tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trong nước, TMV là nhà sản xuất ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao tùy thuộc vào từng mẫu xe. Hiện TMV vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều chủng loại chi tiết phụ tùng ngay tại nhà máy của mình. Tính đến nay, tổng số linh kiện đã nội địa hóa của TMV cho tất cả các dòng xe đã lên tới 253 linh kiện được cung cấp bởi 18 nhà cung cấp phụ tùng.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn quy tụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp tiềm năng, các doanh nghiệp có mong muốn hợp tác về lĩnh vực nội địa hóa, TMV đã thành lập Trung tâm nội địa hóa tại Trụ sở chính tại phường Phúc Thắng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc. TMV luôn mong muốn được chào đón các doanh nghiệp đến thăm Trung tâm với mục đích hợp tác nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm của công ty và góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Mới đây, chúng tôi cũng tham gia triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, một triển lãm ngược – trưng bày các sản phẩm, linh kiện mà Toyota mong muốn nội địa hóa tại Việt Nam, với mục đích tìm kiếm them các nhà cung cấp trong nước có tiềm năng.
- Được biết, TMV còn có các hoạt động xuất khẩu?
Ông Daisuke Bando. |
Đúng vậy, không chỉ tập trung vào sản xuất lắp rắp ô tô phục vụ cho nhu cầu nội địa, từ tháng 7/2004, với việc đưa Trung tâm Xuất khẩu phụ tùng ô tô đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động, TMV đã mở ra một thời kỳ mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Hằng năm, với kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô đạt trung bình trên 25 triệu USD/năm, các sản phẩm của TMV bao gồm: ăng ten, van điều hòa khí xả và bàn đạp chân ga hiện đã được xuất khẩu tới 13 vùng thuộc 10 nước trên thế giới. Tính đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu phụ tùng cộng dồn của TMV đã đạt trên 225 triệu USD.
Tôi cũng xin nhấn mạnh về xuất khẩu xe nguyên chiếc: phải đảm bảo được sản xuất trong nước (giá thành hợp lý, có tính cạnh tranh của sản phẩm), tạo quy mô thị trường ở mức nhất định, sau đó mới đến xuất khẩu.
Dựa trên nền táng như vậy, TMV phải thúc đẩy sản xuất trong nước, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì mới tính tới xuất khẩu. Chúng tôi cũng không thể đặt ra mục tiêu một vài năm hay vài chục năm sẽ xuất khẩu xe nguyên chiếc. Vì quy mô của thị trường Việt Nam còn hạn chế, nên nếu Việt Nam không tăng sản xuất trong nước thì không thể xuất khẩu được.
- Vậy đâu là cản trở chính trong việc tăng nội địa hóa của TMV nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nói chung ?
Hiện nay quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ, sản lượng thấp. Nhìn sang các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan…có quy mô thị trường từ 1-2 triệu xe/năm, khả năng tăng tỷ lệ nội địa hóa dễ dàng.
Mục đích của nội địa hóa là giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nếu giá thành mà không giảm được thì không tăng khả năng cạnh tranh cũng như quy mô thị trường được, từ đó cũng khó lòng tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Với TMV, chúng mong muốn giảm được chi phí sản phẩm, tìm kiếm thêm các nhà cung cấp trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Không phải đến 2018 (thời điểm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong ASEAN giảm xuống 0%-PV) mà suốt nhiều năm qua, TMV luôn nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm. Tuy nhiên chúng tôi không thể đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên bao nhiêu % vì điều đó phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Chính phủ trong việc tăng quy mô thị trường.
Gian hàng triển lãm ngược của TMV: Những linh kiện, phụ tùng mà nhà sản xuất |
- Ông nhận xét thế nào về ý kiến cho rằng tới 2018, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô sẽ dừng sản xuất lắp ráp mà quay sang nhập khẩu toàn bộ ?
TMV không thể đưa ra kế hoạch phát triển của các hãng khác được. Về ý kiến cho rằng các hãng dừng nội địa hóa, tôi cho rằng muốn tăng nội địa hóa thì phải tăng quy mô thị trường, và tăng sản lượng. Với Việt Nam, sản lượng ô tô rất thấp, năm 2012 chỉ đạt 85.000 xe và đặc biệt là lúc tăng lúc giảm, không ổn định. Chúng tôi không muốn dừng gia tăng nội địa hóa nhưng muốn làm được điều đó thì chúng tôi mong muốn thị trường phải có sự phát triển và tăng trưởng ổn định, từ đó mới có thể đầu tư thêm và nghĩ tới việc tăng sản lượng hay xuất khẩu trong tương lai.
Chúng tôi lưu ý quy mô thị trường ở đây là sản xuất trong nước chứ không phải xe nhập khẩu nguyên chiếc. Vì thế doanh số bán toàn thị trường có tăng mạnh nhưng do nhập khẩu nguyên chiếc thì cũng không thể thúc đẩy nội địa hóa được.
Theo ý kiến của riêng tôi, Chính phủ nên có chính sách cụ thể để khuyến khích việc duy trì sản xuất tại Việt Nam và tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Có như vậy, Việt Nam mới giảm được nhập siêu, tiếp tục thu hút đầu tư và tạo them việc làm cũng như phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Xin cảm ơn ông !
Ý kiến bạn đọc