Từ 1/7, xe khách, xe container không lắp các thiết bị giám sát hành trình (thường gọi ngắn gọn là hộp đen) sẽ bị xử phạt theo quy định.
Chiều ngày 29/6, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến thời điểm này, lực lượng thanh tra giao thông của cả nước đã được tập huấn đầy đủ nghiệp vụ thanh tra, xử phạt đối với việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận tải.
Ông Huyện cũng cho biết, từ 1/7, lực lượng thanh tra giao thông sẽ tập trung kiểm tra tại các điểm đỗ, bến xe, nếu xe nào chưa lắp thiết bị sẽ bị tước phù hiệu, điều này đồng nghĩa với việc dừng hoạt động.
Thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) là một công cụ giúp các cơ quan hữu quan, người dân, chủ doanh nghiệp giám sát được các hoạt động của các xe thông qua mạng Internet. Cả nước hiện có khoảng 48.000 xe trong diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Xe khách không lắp hộp đen sẽ bị xử phạt |
Theo ông Huyện, cơ bản các chủ doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện lắp thiết bị hành trình. Song quan trọng là thiết bị phải hoạt động và phải truy xuất được 6 thông tin bao gồm: thông tin xe và lái xe, hành trình xe, tốc độ, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần và thời gian đóng mở xe, thời gian làm việc của lái xe.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp vận tải buộc phải cấp quyền truy cập hộp đen cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp không trực tiếp quản lý mà thuê các đơn vị cung cấp và vận hành hộp đen quản lý nên đã xảy ra việc chậm cung cấp quyền truy cập.
Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, Bộ đã có vản bản gửi cho các doanh nghiệp yêu cầu cung cấp quyền truy cập.
“Lái xe vượt tốc độ thời gian nào, địa điểm nào, giây, phút nào... thiết bị sẽ ghi lại đầy đủ và thể hiện trên màn hình, các cơ quan chức năng đều có thể ngồi một chỗ truy cập giám sát”, ông Nguyễn Văn Huyện nói.
Chất lượng thiết bị đáng lo?
Mặc dù các nhà cung cấp thiết bị đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng, nhưng trong đợt kiểm tra các nhà cung cấp, ông Huyện cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thu hồi sản phẩm của 8 nhà cung cấp và yêu cầu khắc phục mới được tiếp tục cung cấp.
Theo ông Huyện, do các doanh nghiệp vận tải muốn giảm chi phí nên yêu cầu các nhà cung cấp cắt giảm một số thông số, chi tiết dẫn đến thiết bị không đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn bắt buộc của Bộ Giao thông vận tải đưa ra.
Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, Hiệp hội cũng đã nhận được đơn của doanh nghiệp do mua phải hộp đen không đạt chất lượng của nhà cung cấp Vạn Xuân.
Ông Thanh thừa nhận, nhiều doanh nghiệp còn ham rẻ nên Bộ Giao thông vận tải cần kiểm soát chặt chẽ đối với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình.
Theo ông Huyện, Bộ Giao thông vận tải đã yêu các doanh nghiệp cung cấp thiết bị phải thu hồi và khắc phục những thiết bị chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải cũng phải thực hiện nghiêm túc và thấy ý nghĩa của việc lắp ráp thiết bị này thay vì lắp đối phó.
Ý kiến bạn đọc