(VnMedia)- Phản pháo lại kiến nghị gỡ bỏ hạn chế xe nhập thương mại của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa khẳng định không thể xảy ra tình trạng độc quyền trên thị trường ô tô, nhưng có lý do xem xét độc quyền trên thị trường xe máy.
Như VnMedia đã đưa tin, trong văn bản gửi lên Bộ Tài chính mới đây, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị một loạt các biện pháp mà theo cơ quan này là sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2012. Đáng chú ý nhất trong số các kiến nghị này là việc kiến nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét sửa đổi Thông tư 20/TT-BCT ngày 12/5/2011 về hạn chế xe nhập thương mại theo hướng gỡ bỏ hạn chế này.
Đề xuất này ngay lập tức gặp phải phản ứng khá dữ dội từ VAMA. Trong công văn số 6512/VAMA ngày 5/9/2012 gửi Bộ Công Thương, VAMA đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20 nêu trên. VAMA cho biết họ quan ngại việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ Thông tư 20 và ngạc nhiên trước thông tin cho rằng Thông tư này có thể tạo ra độc quyền trong ngành công nghiệp ô tô.
VAMA này đã nêu 5 điểm nhằm chứng minh Hiệp hội này không độc quyền và 5 điểm chứng minh việc hủy Thông tư 20, cho phép nhập thương mại nhỏ lẻ sẽ gây hại đến người tiêu dùng và ngân sách ra sao.
VAMA cho rằng không thể có độc quyền ô tô nhưng có thể có độc quyền xe máy |
Trong 5 điểm đầu tiên, VAMA cho biết tới nay ngoài 18 thành viên VAMA đang lắp ráp và nhập khẩu ô tô thì còn có rất nhiều nhà nhập khẩu chính hãng khác và chỉ có 1 nhãn hiệu toàn cầu là Peugeot chưa có mặt tại Việt Nam. Tính đến năm 2012 đã có hơn 23 nhà sản xuất chính hãng có mặt tại Việt Nam, bán ra khoảng 100.000 xe trong năm 2012.
Hiệp hội này cũng nhấn mạnh Triển lãm ô tô Việt Nam cuối tháng 9 này như là một thành quả của Thông tư 20 vì nó sẽ quy tụ cả các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước và các đơn vị nhập khẩu chính hãng. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường ảm đạm và tụt dốc tới 40% như hiện nay, VAMA cho rằng việc giảm giá ồ ạt của cả các nhà sản xuất lắp ráp lẫn nhập khẩu sẽ không diễn ra nếu thị trường ô tô Việt Nam bị độc quyền.
Đáng chú ý, VAMA đã tham chiếu sang ngành công nghiệp xe máy và cho biết hiện hai nhà sản xuất lớn chiếm khoảng 80% thị phần với hơn 3 triệu xe máy/năm. "Vì vậy, có thể có lý do để xem xét vấn đề độc quyền trong trường hợp này" - Công văn viết. Với nhận định này, ai cũng hiểu VAMA đang ám chỉ khả năng độc quyền của Honda và Yamaha là hai hãng xe máy lớn nhất tại Việt Nam với thị phần tương ứng hơn 50% và gần 30%. Được biết, Honda Việt Nam cũng là một thành viên VAMA.
Trong 5 điểm còn lại, VAMA cho rằng các nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ thua kém rất các nhà nhập khẩu chính hãng ở hàng loại điểm như: chế độ bảo hành bảo dưỡng; theo đuổi vòng đời tối thiểu 10 năm của 1 chiếc xe; không thể tạo ra nhiều công ăn việc làm, lao động có trình độ cao; không chuyên nghiệp và minh bạch; vô can nếu có xảy ra triệu hồi xe...
Ý kiến bạn đọc