(VnMedia)- Chính sách thuế thay đổi liên tục trong thời gian ngắn khiến thị trường xáo trộn, người tiêu dùng hoang mang và nản lòng, doanh nghiệp lo sợ; không đồng nhất về chính sách giữa trung ương và địa phương; mất cân đối nghiêm trọng giữa thu nhập của người dân và giá xe hơi...
Đó là những ý kiến chính tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển ngành công nghiệp và thị trường ô tô Việt Nam" ngày 27/9 tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm ô tô Việt Nam 2012 với mục tiêu chia sẻ, giải đáp thắc mắc của chuyên gia, nhà làm chính sách, đồng thời tổng hợp những đề xuất kiến nghị để phát triển công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, thiếu sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính khiến nhiều vấn đề băn khoăn chưa được giải đáp, và phần lớn thời gian được dành để bày tỏ những bức xúc, bất cập trên thị trường ô tô Việt Nam, đặc biệt là chính sách thuế, phí.
Thuế, phí khiến công nghiệp ô tô thụt lùi ?
Tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho biết lượng ô tô tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2012 sụt giảm tới 33% so với cùng kỳ năm 2011, chủ yếu do chính sách nội tại chứ không phải do ảnh hưởng kinh tế thế giới. Chứng minh điều này, ông Tuấn cho biết thị trường ASEAN 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng tới 151%, trong đó Thái Lan tăng vọt tới 208%. Vậy nhưng Việt Nam lại là nước duy nhất có thị trường ô tô suy giảm. Điều này cho thấy, Việt Nam chưa hết cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhưng cái cần là một sự đồng bộ và ổn định trong chính sách.
Ông Laurent Charpentier, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiêm Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, khẳng định sự bất ổn định trong chính sách thuế và phí là nguyên nhân của sự sụt giảm số lượng xe bán ra trong năm 2012, đồng thời chưa khuyến khích để ngành công nghiệp và kinh doanh ô tô có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam.
Nhu cầu sở hữu ô tô tại Việt Nam vẫn rất lớn |
Đồng tình với các ý kiến này, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội kỹ sư ô tô Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng không phải người dân không có tiền mà chính sách thay đổi liên tục khiến người dân nản lòng; đồng thời ngành công nghiệp ô tô đang vướng giữa khó khăn muốn phát triển nhưng lại bị kìm hãm bởi chủ trương chung vẫn muốn hạn chế sở hữu và sử dụng ô tô. Tuy nhiên, ông Hào vẫn tin tưởng Việt Nam không thể không phát triển công nghiệp ô tô, đơn giản vì đây là phương tiện di chuyển chủ yếu của thế giới chứ không phải ở Việt Nam, ít nhất là trong nhiều thập kỷ tới.
"Người ta chỉ thay đổi công nghệ và chất lượng xe ô tô để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và gia tăng tiện ích chứ con người chưa thể từ bỏ ô tô để nghĩ ra một phương tiện nào hợp lý hơn thay thế trong nhiều thập kỷ tới. Vì thế, không có lý do gì để không phát triển ngành công nghiệp tại Việt Nam"- ông Hào nói.
Tuy nhiên, phát triển bằng cách nào, dựa vào đâu ?...vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đại diện doanh nghiệp sản xuất khác, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc công ty ô tô Vinaxuki chia sẻ, Việt Nam có rất nhiều lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực và thậm chí là chiến lược phát triển ô tô nhưng khi thể hiện ra chính sách lại bất hợp lý, chồng chéo giữa các bộ ngành. Ông Huyên lấy ví dụ từ dự án sản xuất ô tô của Vinaxuki đã hoàn thành, sản xuất ra được xe ô tô nội địa hóa gần 60% nhưng để vay vốn ngân hàng, người ta bắt công ty ông phải viết lại toàn bộ kế hoạch phát triển dự án...Hay như sự bất cập trong chính sách thu phí với xe ô tô: cùng là loại xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi nhưng xe động cơ lớn 4.0 lít vẫn cùng mức lệ phí đường bộ với xe nhỏ dưới 1.0 lít..
"Trên bảo, dưới không nghe"
Ngoài sự thiếu ổn định về chính sách là vấn đề then chốt, các vấn đề về thiếu thống nhất giữa chính sách giữa trung ương và địa phương cũng được đề cập tại hội thảo. Chẳng hạn chính sách về lệ phí trước bạ đã được quy định chung là giá khai báo thấp hơn giá của cơ quan thuế thì áp dụng giá của cơ quan thuế, còn cao hơn thì áp dụng giá khai báo. Thế nhưng, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Liên Á Quốc tế - nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam, cho biết doanh nghiệp của ông phải chật vật từ đầu năm tới nay vì "đóng nhiều thuế cũng không cho". Cụ thể, với mức giá xe nhập về Việt Nam khoảng 100 đồng được đăng ký với cơ quan thuế, nhưng khi khách hàng yêu cầu thêm các lựa chọn từ nhà sản xuất khiến giá xe về Việt Nam tăng lên 110 đồng thì cơ quan thuế cũng không cho nộp lệ phí với mức giá 110 đồng !
Bức xúc về chính sách thuế chiếm phần lớn thời gian hội thảo. |
Ngoài ra, ông Trung còn nhấn mạnh tới sự tùy tiện trong việc đưa ra các đề xuất liên quan đến chính sách, giao thông, khiến người dân lo ngại, doanh nghiệp sợ hãi, thị trường rối loạn. Các ví dụ điển hình mới đây là đề xuất việc sử dụng xe tuk tuk như ở Thái Lan, hay gỡ bỏ Thông tư 20/TT-BCT...Ông Trung đề nghị các nhà làm chính sách trước khi ban hành, đề xuất nên tham khảo kỹ những người trong ngành, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để có những kiến nghị sát với thực tế...
Một vấn đề khác cũng được đề cập thường xuyên trong các cuộc hội thảo về công nghiệp ô tô là mâu thuẫn giữa phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp ô tô và ùn tắc giao thông đô thị. Ông Andreas Klingler, Tổng Giám đốc Công ty Prestige Sport Cars – nhà phân phối xe Porsche tại Việt Nam, cho rằng không thể chờ đợi phát triển hạ tầng rồi mới phát triển thị trường ô tô. Thay vào đó, giải pháp là hạ giá xe hợp lý bằng cách điều chỉnh các sắc thuế phù hợp, nhằm tăng thu ngân sách để đầu tư hạ tầng, song song với việc thu phí lưu hành xe nội đô.
"Vấn đề của Việt Nam là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa thu nhập của người dân và giá xe", ông Andreas Klingler nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc