(VnMedia) - Bất cứ một phương thức đánh thuế nào cũng có mặt được và mặt chưa được. Không có bất cứ cách nào công bằng hết với tất cả mọi người… Bộ trưởng Vương Đình Huệ trao đổi với VnMedia…
Ngày 15/6, đại biểu Trần Du Lịch đã chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phí bảo trì đường bộ về tính pháp lý của loại phí này. Sau khi Phó Thủ tướng giải trình, đại biểu Trần Du Lịch đã kiến nghị: “Chính phủ nên nghiên cứu kỹ lại phương thức thu phí bằng cách đánh vào phương tiện xe cơ giới, dù hợp lý nhưng không hợp tình. Tôi kiến nghị tha thiết Chính phủ xem lại phương thức thu này để được lòng dân”.
Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã trao đổi với VnMedia về vấn đề này.
- Thưa Bộ trưởng, mặc dù Phó Thủ tướng đã giải thích, nhưng đại biểu vẫn cho rằng phí này hợp lý nhưng không hợp tình. Bộ trưởng có thể nói gì về điều này?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ |
Về cơ sở pháp lý, Nghị định 18 về phí bảo trì đường bộ đã được Chính phủ soạn thảo trên cơ sở thứ nhất là dựa vào Luật giao thông đường bộ, thứ hai là dựa vào danh mục trong pháp lệnh phí và lệ phí. Trong danh mục phí và lệ phí đã có danh mục này rồi chứ đây không phải là loại phí mới. Cho nên, cơ sở Nghị định 18 về phí bảo trì đường bộ này là hoàn toàn hợp pháp.
Cái thứ hai mà người ta lo lắng nhất là nếu sinh ra thêm phí này nữa thì có trùng lặp hay không, thì phải nói ngay là không trùng lặp. Cử tri không rõ tưởng là trước đây thu qua trạm thu phí của giao thông rồi, bây giờ đánh vào đầu phương tiện nữa là hai lần.
Nhưng điều mấu chốt ở đây là thu phí đánh trên đầu phương tiện để thành lập quỹ bảo trì đường bộ nên toàn bộ các trạm thu phí của ngành giao thông sẽ bỏ hết. Chỉ trừ những trạm qua những đoạn đường người ta đầu tư theo hình thức BOT thì người ta phải thu. Thứ hai là những trạm đầu tư theo hợp tác công tư cũng phải để lại.
Thứ 3, nói rằng đánh theo đầu phương tiện tức là đánh vào tài sản, thì cũng khẳng định rằng đây không phải là thuế. Bản chất của thuế là hoàn trả gián tiếp, tức là bà con mình đóng thuế thì nhà nước thu vào, sau đó trở lại đầu tư phát triển kinh tế xã hội, an sinh… có hoàn trả nhưng là hoàn trả gián tiếp.
Còn phí là người dân chi ra để nhận được dịch vụ nào đó, thì trong trường hợp này, tôi phải đóng góp để được quyền sử dụng các phương tiện của tôi trên đường bộ. Đây là hoàn trả trực tiếp và là phí chứ không phải là thuế đánh vào tài sản.
- Vậy, với những người mua xe chỉ như là mua một thứ tài sản thì sao, thưa Bộ trưởng?
Bất cứ một phương thức đánh thuế nào cũng có mặt được và mặt chưa được của nó. Ví dụ như người ta nói là thu qua xăng dầu. Thu qua xăng dầu thì rất nhiều bất cập, ví dụ như nông dân mua xăng dầu để bơm máy bơm trên đồng ruộng, hay người đi biển, họ có dùng đến đường bộ đâu, thì cũng trùng lắp.
Còn về nguyên tắc, anh đã mua xe là anh sử dụng, và anh có đăng kiểm là anh sử dụng. Nếu anh mua xe để vào bảo tàng thì có phải đăng kiểm đâu? Không đăng kiểm thì không phải nộp vì thu phí này là giao cho cơ quan đăng kiểm thu.
- Như vậy thì cách thu phí này chỉ có tác dụng là hạn chế phương tiện giao thông thôi?
Đây không phải là phí hạn chế phương tiện, đây là phí bảo trì đường bộ.
- Nhưng thưa Bộ trưởng, nếu là phí bảo trì đường bộ thì người đi nhiều phải trả nhiều, người đi ít phải trả ít, chứ thu như thế này thì ai có nhiều phương tiện phải trả nhiều, ai có ít phương tiện thì trả ít?
Không phải ai có nhiều phương tiện phải trả nhiều mà thu theo công suất. Anh sử dụng trong năm, nếu là xe tải càng lớn, càng gây hỏng đường nhiều thì người ta càng phải thu nhiều, thu theo tải trọng và dung tích chứ không thu theo phương tiện.
- Như vậy, có thể xảy ra trường hợp các đơn vị vận tải vì để tránh phải trả nhiều phí, họ sẽ tăng tần xuất sử dụng, rồi sử dụng xe cũ nát…
Đó là bài toán của doanh nghiệp. Còn nếu sợ ảnh hưởng đến môi trường thì đã có thuế môi trường. Mỗi một loại thuế và phí chỉ có một số tác dụng thôi.
- Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, thu phí theo cách này chỉ dễ cho quản lý, dễ cho nhà nước mà khó cho dân. Ví dụ như xe của các đơn vị vận tải sẽ sử dụng đường rất nhiều cũng chỉ đóng bằng những người cả tháng mới đi một lần?
Nếu cả tháng mới đi một lần, nếu là tôi thì tôi sẽ thuê xe ôm tôi đi, tôi sẽ tiết kiệm vì nếu tính cân đối ra mà tôi mua một cái xe để trong nhà, lại tốn chỗ để xe, thỉnh thoảng mới chạy thì đó là bài toán của cá nhân. Mỗi một chính sách không thể đi hết được mọi cặn kẽ abc được, và nó có nhiều chính sách hỗ trợ. Không có bất cứ cách nào công bằng hết với tất cả mọi người, phải tính theo số đông thôi.
- Vậy tại sao mình không tiếp tục dùng các trạm thu phí để công bằng hơn, thưa Bộ trưởng?
Hàng loạt các trạm thu phí trên quốc gia rất là lãng phí. Bộ máy, nhân lực… một trạm thu phí kéo theo bao nhiêu thứ, những chỗ người đi ít không đủ để chi dùng cho bộ máy này. Còn ta làm cách này (thu phí bảo trì đường bộ - PV) thì tất cả các phí chúng ta sử dụng được, quản lý rất ít và khi thu thì đăng kiểm thu luôn. Như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho vấn đề thu phí. Tiết kiệm đó chính là để đầu tư trở lại cho hạ tầng.
- Vâng, xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến bạn đọc