Với đà tăng các loại thuế và phí được đề nghị sẽ áp dụng trong thời gian tới đối với xe ôtô cá nhân, trong tương lai không xa, chi phí phải bỏ ra để sở hữu một chiếc xe bốn bánh ở Việt Nam có thể sẽ sánh ngang với chi phí ở Singapore.
Trong khu vực châu Á (và có thể trên toàn thế giới), chi phí để sở hữu một chiếc xe hơi và được quyền đi lại trên đường phố ở Singapore có lẽ là đắt nhất. Hiện nay, muốn sở hữu và cầm lái một chiếc Audi A4 ở đảo quốc này, người ta phải trả khoảng 182.000 SGD (tương đương 3,2 tỉ đồng, gấp đôi giá chiếc Audi A4 đang được bán ở Việt Nam).
Tương tự, một chiếc BMW 328i có chứng nhận được phép lưu hành có giá 238.000 SGD (4,05 tỉ đồng), Mercedes E200K có giá 201.902 SGD (3,43 tỉ đồng), cao hơn nhiều so với giá bán một chiếc cùng mẫu mã tại Việt Nam.
Chuyện người: Giá và phí cao đúng là để hạn chế
Tại Singapore, ngay cả các ông chủ người phương Tây cũng được cảnh báo rằng việc sở hữu xe hơi và lái một chiếc xe hơi ở đất nước này rất đắt đỏ.
Để dập tắt nguy cơ kẹt xe trong thành phố như đã xảy ra ở các thủ đô các nước Đông Nam Á (điển hình là Jakarta của Indonesia, Manila của Philippines và Bangkok của Thái Lan), chính phủ Singapore quyết định kiểm soát chặt chẽ số lượng xe hơi lưu hành ở nước này, không được phép tăng quá 3%/năm.
Bởi vậy, mua một chiếc xe hơi ở Singapore không khó, nhưng việc đăng ký và xin phép lưu hành xe lại vô cùng nhiêu khê và tốn kém. Để có thể cầm lái một chiếc xe hơi chạy trên đường phố Singapore, người ta buộc phải có chứng nhận xe được phép lưu hành (Certificate of Entitlement - COE), chứng nhận hạn ngạch lưu hành (Vehicle Quota System - VQS), thuế đường (Road Tax), phí lưu hành (Electronic Road Pricing), ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ.
Phức tạp nhất và tốn tiền nhất trong số này là lấy chứng nhận xe được phép lưu hành COE. Vì Chính phủ Singapore giới hạn số lượng xe được phép lưu hành nên hằng tháng, một số lượng COE được bán ra theo dạng đấu thầu. Giá mỗi COE hiện nay vào khoảng 30-40 ngàn SGD (tương đương 510 đến 689 triệu đồng) và có giá trị trong mười năm.
Tất nhiên, giá COE trồi sụt tùy theo lượng khách hàng tham gia đấu thầu. Có thời gian kinh tế bị khủng hoảng, lượng xe mới giảm mạnh thì giá COE cũng giảm theo.
Do chi phí cho một chiếc xe hơi cá nhân cao như vậy, dù thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 56.797 USD/năm, đứng hàng thứ 5 trên thế giới, cao nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng tỷ lệ sử dụng xe hơi cá nhân ở Singapore lại thấp hơn một số quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, dù GDP bình quân đầu người cao gấp đôi thu nhập của một quốc gia giàu có khác trong khu vực là Brunei, song tỷ lệ sở hữu xe hơi ở Singapore chỉ đạt 12 xe/100 người, tức là cứ 8,33 người mới sở hữu một chiếc, còn ở Brunei thì 2,09 người đã sở hữu một chiếc.
Tuy nhiên, việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng ở Singapore lại rất dễ dàng, thuận tiện với chi phí hợp lý. Hai loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại Singapore là xe bus và tàu điện ngầm (MRT). MRT hoạt động từ 5 giờ 30 sáng đến 0 giờ 30 sáng hôm sau, mỗi chuyến tàu cách nhau từ ba đến tám phút.
Một chuyến đi bằng MRT từ sân bay Changi của Singapore đến trung tâm thành phố mất không quá 30 phút. Xe buýt công cộng hoạt động từ 5 giờ 30 sáng đến tận nửa đêm. Giá vé xe bus hoặc MRT từ 0,8 đến 1,8 SGD/lượt (khoảng từ 13 đến 30 ngàn đồng).
Chuyện mình: Loay hoay và khập khiễng
Hiện nay, một chiếc xe hơi được phép lưu hành ở Việt Nam phải chịu bốn loại thuế cơ bản, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng 50% giá trị xe), thuế giá trị gia tăng (10% giá xe sau khi đã cộng thuế tiêu thụ đặc biệt), thuế trước bạ (20% giá trị xe đối với đăng ký xe Hà Nội hoặc 15% giá trị xe đối với đăng ký xe tại TP. Hồ Chí Minh hay 10% đối với đăng ký xe tại các tỉnh thành khác) và phí biển số (20 triệu đồng).
Nếu là xe nhập khẩu thì giá xe phải cộng thêm thuế nhập khẩu, bằng từ 50 đến 70% giá ban đầu của xe tùy từng dòng xe và dung tích xilanh.
Sắp tới, theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, người sử dụng xe hơi ở Việt Nam sẽ phải chịu thêm phí duy trì đường bộ ôtô, mà dự kiến là sẽ thu từ 180.000 đến 1.440.000 đồng mỗi tháng tùy loại xe.
Lại còn có thể phát sinh cả phí lưu hành, cũng tùy theo dung tích xilanh, với mức thấp nhất là 20 triệu đồng, mức cao nhất là 50 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra, ôtô sẽ còn phải đóng phí đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (hằng ngày từ 6 giờ đến 8 giờ 30 và từ 16 giờ đến 19 giờ, trừ ngày nghỉ, ngày lễ) dự kiến là 30.000 đồng/lượt đối với ôtô dưới bảy chỗ và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ôtô còn lại.
Như vậy, với GPD bình quân đầu người mới đạt 1.300 USD/năm, nếu các khoản chi phí để sở hữu và lưu hành ôtô theo các đề xuất mới được phép áp dụng trong thời gian tới thì chắc chắn Việt Nam sẽ là nước có chi phí để sở hữu và sử dụng xe hơi vào loại cao nhất thế giới.
Có ý kiến cho rằng Bộ Giao thông Vận tải đã khiên cưỡng áp dụng mô hình quản lý phương tiện giao thông cá nhân thông qua phí của Singapore - một quốc gia chỉ có chưa đầy 5 triệu dân, diện tích chưa đầy 600km 2 (chỉ bằng 1/3 diện tích TP. Hồ Chí Minh), nhưng có thu nhập bình quân đầu người gấp 50 lần Việt Nam, hệ thống giao thông đường bộ và giao thông công cộng được xếp vào hàng tốt nhất thế giới.
Lộ thông tài thông, giao thông đường bộ của nước ta còn phải được đầu tư phát triển mạnh hơn, trong khi đó tỷ lệ hiện nay 18,7 xe ôtô/1.000 người dân ở Việt Nam được xếp vào hàng quá thấp so với các nước trong khu vực.
Sự quá tải giao thông ở một số thành phố chứ không phải trên toàn đất nước cho thấy sự chật hẹp của “chiếc áo quy hoạch” và bất cập về cơ sở hạ tầng chứ không phải là sự thừa thãi các phương tiện giao thông.
Do đó, các đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc thu một số loại phí mới nhằm mục đích lập lại trật tự giao thông đường bộ phải được xem xét kỹ lưỡng, nếu không sẽ làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp trong chính lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Ý kiến bạn đọc