Để tránh các loại phí, cũng như kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều người dân, trong đó có cả các đại gia đang sử dụng ô tô phải bán xe mới, mua xe cũ.
Theo một chủ đại lý Huyndai trên đường Láng (Hà Nội), hiện nay nhiều người đang có xe nhưng không thể tiếp tục “nuôi” đã rao bán xe, giá cả thường khá mềm so với xe nhập khẩu cùng loại.
Hết “nuôi” nổi xe
“Có cả những đại gia cũng rao bán xe tiền tỷ để tìm mua xe rẻ tiền hơn. Kinh tế khó khăn nên ngay cả những người giàu cũng băn khoăn trước nhu cầu mua, dùng ô tô”, anh Tiến, một nhân viên cửa hàng ô tô trên đường Cầu Giấy cho biết. Ngoài ra, để “né” một số phí, nhiều người thay vì mua xe mới đã tìm mua xe cũ. Song trên thực tế doanh số của dòng xe này cũng không khả quan hơn là mấy.
Không khí ảm đạm cũng bao trùm cả dòng xe nhập khẩu. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng nhập khẩu ô tô tháng 2 chỉ ở mức 2.300 chiếc, giảm 500 chiếc so với tháng 1 và 1.700 chiếc so với tháng 12/2011.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các khoản phí liên quan đến ô-tô ngày ngày càng nhiều, mức đóng lại tăng. Theo thống kê, hiện nay nếu mua một chiếc xe mới người tiêu dùng sẽ phải chịu ít nhất 8 khoản thuế, phí khác nhau, gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự, phí xăng dầu. Riêng ở Hà Nội, mới đây hai loại phí trước bạ và phí đăng ký cấp biển số số xe đã tăng lên đáng kể khiến người mua xe ở Hà Nội phải mất thêm 10% chi phí.
Không dừng ở đó, từ 1/6, khi sử dụng ô tô, người dân sẽ phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ. Mức chi cho khoản phí này thấp nhất 180.000 đồng/tháng và cao nhất 1.440.000 đồng/tháng. Tuy nhiên mức phí này không thấm vào đâu so với loại phí lưu hành phương tiện. Theo đề xuất của Bộ GTVT, mức phí lưu hành phương tiện sẽ dao động trong khoảng 20 – 50 triệu đồng mỗi năm.
Hướng về khách hàng tỉnh lẻ
Theo thống kê của Hiệp hội ô tô Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm, lượng ô tô bán ra sụt giảm mạnh so với trước đây. Cụ thể vào tháng 1, lượng ô tô bán ra giảm 60% so với tháng trước, tháng 2 cũng giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại phí tăng cao cùng với thông tin từ về việc thu phí bảo trì đường bộ và phí lưu hành phương tiện, là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu mua ô tô giảm mạnh, cả ở xe tầm trung và cao cấp. Không chỉ những người đang có ý định mua xe tỏ ra dè dặt mà nhiều người đang sở hữu xe ô tô cũng đáng muốn thoát thân.
Dạo qua một loạt showroom ô-tô tại Hà Nội ở đường Khuất Duy Tiến, Đường Láng, Láng Hạ, đều trong tình trạng thê thảm. Các cửa hàng, đại lý nhân viên nhiều hơn khách hàng, doanh số giảm mạnh. Hiện nhiều đại lý quá khó khăn đã quyết định tiết giảm nhân lực, giảm số lượng showroom, thuê bãi giữ xe ở ngoài, tăng cường bán hàng qua mạng và hướng đến khách hàng ở tỉnh lẻ... Nhiều hãng kinh doanh xe hơi như Chevrolet Vietnam, Mercedes-Benz Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, BMW, thậm chí các đại lý cũng đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến mãi, giảm giá mạnh nhằm kích cầu, thậm chí có nơi giảm cả ngàn USD/chiếc nhưng vẫn không thoát khỏi thảm cảnh.
Nhiều showroom cho biết có tháng họ chỉ bán được 1 - 2 chiếc, khác hẳn với cảnh mua bán tấp nập trước Tết. Theo anh Hùng, nhân viên đại lý của liên doanh GM Việt Nam trên đường Giải Phóng, hiện nay lượng khách hàng đã giảm 80% so với năm ngoái. “Những thông tin về các loại phí phải đóng, người dân đang băn khoăn, dè dặt với nhu cầu mua ô-tô. Cửa hàng chúng tôi ế ẩm, có những ngày không có một khách đến xem xe chứ chưa nói là mua. Đó cũng là tình trạng chung của thị trường ô tô. Cứ kiểu này chắc nhiều nhà phá sản mất”.
Đưa xe về quê tránh phí |
Ý kiến bạn đọc