(VnMedia)- Nằm trong bối cảnh khó khăn rất lớn của nền kinh tế và đời sống người dân, thị trường xe máy Việt Nam 2011 bất ngờ đảo chiều theo hướng có lợi cho người tiêu dùng vào cuối năm. Điều này tác động trực tiếp tới các đại lý xe máy và năm 2012 dự kiến sẽ khiến chính các nhà sản xuất phải cân nhắc lộ trình mở rộng...
Đảo chiều ngoạn mục
Năm 2011 vừa qua chứng kiến sự biến động mạnh của thị trường xe máy, không phải bởi các tác động của chính sách mà do quy luật cung cầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao. Còn nhớ hồi đầu năm, cơn sốt các xe tay ga, điển hình và chủ yếu là các mẫu xe ga của Honda như PCX, Air Blade, Lead đẩy giá bán tới tay người tiêu dùng chênh 3-5 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng so với giá đề xuất của nhà sản xuất.
Chẳng hạn thời điểm cuối năm 2010, đầu năm 2011, hầu hết các đại lý Honda đều xảy ra tình trạng "hết hàng" với xe PCX, nhưng khi ra các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài (được cho là có mối quan hệ mật thiết với các đại lý Honda) thì khách hàng mua bao nhiêu xe và màu gì cũng có, tuy nhiên giá bán tới 60-65 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất tới 10-15 triệu đồng/chiếc.
Đầu tháng 4/2011, liên doanh Nhật âm thầm tăng giá đề xuất PCX lên 59 triệu đồng. Tuy nhiên kể từ thời điểm này, các đại lý Honda chỉ duy trì được một thời gian ngắn giá bán ra bằng với giá đề xuất, sau đó liên tục giảm mạnh và kéo dài tới cuối năm, với mức giá bán ra thấp hơn giá niêm yết tới 5-7 triệu đồng/chiếc. Khi ấy, một đại lý Honda tại Hà Nội than thở với VnMedia rằng nếu như trước kia PCX lên cơn sốt bao nhiêu thì giờ đây ế ẩm bấy nhiêu, họ sẵn sàng bán giá PCX với giá 50 triệu đồng/chiếc để nhanh chóng quay vòng vốn (thấp hơn giá đề xuất 9 triệu đồng/chiếc), với điều kiện phải mua hàng chục chiếc...
Air Blade mới trong buổi ra mắt tại TP.HCM đầu tháng 4/2011. ảnh QT |
Cũng trong đầu tháng 4/2011, Honda VN quyết định làm mới mẫu xe ăn khách nhất của mình là Air Blade bằng phiên bản 2011, với giá bán lẻ đề xuất cũng tăng tới 3 triệu đồng, lên 36-37 triệu đồng/chiếc. Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt và đặc biệt là sau khi âm thầm tăng thêm 1 triệu đồng, giá bán thực tế của Air Blade liên tục giảm, thậm chí giảm tới 3-4 triệu đồng so với giá đề xuất. Trong giai đoạn này, giá bán lẻ thực tế của xe tay ga Lead cũng giảm 2-3 triệu đồng so với giá đề xuất của Honda. Ngay cả mẫu xe mới ra mắt Honda Vision sau vài tháng loạn giá, giá bán cao hơn tới 2-3 triệu đồng so với giá đề xuất 28,5 triệu đồng thì đến thời điểm cuối năm, giá thực tế tới tay người tiêu dùng chỉ còn khoảng 26 -26,5 triệu đồng.
Không chỉ xe Honda mà các mẫu xe cùng tham gia "chiến dịch" loạn giá như Yamaha Nozza, Exciter hay Piaggio Liberty cũng phải trở về mức giá đề xuất vào thời điểm cuối năm do nhu cầu giảm mạnh.
Theo một số đại lý Honda, sự giảm giá xe máy chỉ khiến đại lý thiệt thòi vì quan hệ giữa đại lý và công ty Honda là mua đứt bán đoạn. Vì thế, trong năm qua, dù Honda Việt Nam vẫn đạt sản lượng tới 2,1 triệu chiếc nhưng đa số các đại lý ủy nhiệm Honda đều thở dài ngao ngán bởi nửa cuối năm 2011 vừa qua, họ chỉ bán hòa và lỗ, trong khi lạm phát tăng cao, hàng loạt chi phí duy trì hoạt động của đại lý tăng vọt...
Nguy cơ cung sớm vượt cầu
Nhận định thị trường xe máy Việt Nam vẫn tăng mạnh trong những năm tới nên các nhà sản xuất đua nhau nâng công suất. Được thành lập vào năm 1996, Honda Việt Nam xuất xưởng chiếc xe máy đầu tiên vào tháng 2/1998. Nếu như giai đoạn đầu phải mất đúng 10 năm sau, Honda VN mới sản xuất được chiếc xe thứ 5 triệu (tháng 7/2008) thì chỉ cần đúng 3 năm, liên doanh Nhật đã có thêm 5 triệu xe nữa để đạt sản lượng 10 triệu xe máy vào tháng 09/ 2011. Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2011 vừa qua, Honda Việt Nam đã quyết định đầu tư thêm 120 triệu USD xây dựng nhà máy xe máy thứ ba tại tỉnh Hà Nam, nâng năng lực sản xuất xe máy của doanh nghiệp này lên 2,5 triệu xe/năm.
Không chịu thua kém, doanh nghiệp xe máy lớn thứ hai là Yamaha Việt Nam cũng chi khoảng 50 triệu USD để tăng công suất của nhà máy tại Hà Nội lên gấp hai lần hiện nay, hướng tới sản lượng 1,5 triệu xe/năm.
Sản xuất xe máy tại nhà máy Piaggio VN tại tỉnh Vĩnh Phúc. ảnh QT |
Trong khi đó, Piaggio Việt Nam sau khi đưa nhà máy thứ nhất với công suất 100.000 xe/năm vào hoạt động (tháng 6/2009), hiện đang đầu tư nhà máy thứ hai để nâng công suất sản xuất xe máy lên 300.000 xe/năm. Cùng với sản lượng của SYM là 300.000 chiếc, Suzuki 200.000 chiếc và một số doanh nghiệp khác khoảng hơn 100.000 chiếc, tổng sản lượng xe máy sản xuất trong nước sẽ lên mức xấp xỉ 5 triệu chiếc/năm vào cuối năm 2012 này.
Trong khi quy mô sản xuất xe máy tăng mạnh và ở mức cao thì theo tính toán, nhu cầu thị trường đang ở mức thấp hơn khá nhiều. Ví dụ năm 2009 cả nước tiêu thụ khoảng 2,75 triệu chiếc, sang năm 2010 đạt mức gần 3 triệu chiếc và năm 2011 khoảng 3,3 triệu chiếc. Như vậy, có thể khẳng định công suất sản xuất xe máy sắp tới của Việt Nam sẽ vượt xa so với nhu cầu và trong bối cảnh đó, bài toán đặt ra với các nhà sản xuất xe máy càng nan giải, đặc biệt ai cũng hiểu, thực trạng trái chiều giữa doanh thu, lợi nhuận của nhà máy và đại lý như năm qua không thể kéo dài...
Ý kiến bạn đọc