(VnMedia) - Không phải ai cũng nắm được những sự khác biệt trong nhận diện, mua sắm, sở hữu và bảo dưỡng dòng xe mui trần. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài sự khác biệt, bạn nhé!
Giờ đây, khi những chiếc xe hơi đối với người tiêu dùng trong nước đã không hẳn chỉ là tài sản lớn mà dần đóng những vai trò mang tính thực dụng, sẽ không quá khó để bạn bắt gặp những chiếc xe có vẻ “khác thường” di chuyển trên phố. Từ chỗ là một phương tiện di chuyển, xe hơi đang dần trở thành món đồ trang sức, đồ chơi hay thậm chí là đồ … sưu tầm đối với người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của những mẫu mui trần là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được những sự khác biệt trong nhận diện, mua sắm, sở hữu và bảo dưỡng dòng xe này. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài sự khác biệt, bạn nhé!
|
Dù trong hình dung của nhiều người, những chiếc xe mui trần luôn gắn liền với sự nhỏ gọn, tính thể thao, thực tế dải sản phẩm “Convertible” này có kích thước khá đa dạng – từ những chiếc roadster 2 chỗ như BMW Z4, Mercedes-Benz SLK, Mazda MX-5, Toyota Solara… cho tới các dòng với bốn ghế như sedan thông thường (điển hình như BMW 645Ci). Thậm chí một số phiên bản … SUV cũng có biến thể mui trần nhưng không nhiều.
Mui cứng và mui mềm
Ngày càng có nhiều mẫu xe mui trần được trang bị mui cứng với khả năng thu vào nhờ cơ chế điện. Một khi được kích hoạt, toàn bộ trần xe sẽ tự tách thành hai hoặc ba mảnh sau đó xếp gọn trong cốp sau theo đúng những gì được nhà sản xuất tính toán trước. Về cơ bản, mui cứng có nhiều ưu điểm do duy trì được dáng vẻ cứng cáp cho xe, bên bỉ hơn trong vận hành nhưng lại nặng nề và thường tốn chỗ “chứa” hơn so với mui mềm. Ngoài ra, tỉ lệ hỏng hóc trên các loại xe mui trần với nóc cứng cũng thường cao hơn do các cơ chế điện phức tạp. Trong khi đó, những loại xe với mui mềm cũng ngày càng tốt hơn với xu hướng thiết kế sở hữu nhiều lớp để có thể cách âm cũng như bảo vệ khoang lái tốt hơn khỏi các yếu tố ngoại cảnh. Trong một số trường hợp, chúng đôi khi còn vượt qua cả các loại mui cứng.
Một chiếc Mini Cooper mui mềm |
Giá thành
Do sự đa dạng về kích cỡ và phân cấp, dải giá của các dòng xe mui trần cũng hết sức rộng từ chỉ khoảng 20.000 USD (tại Mỹ) cho tới các mẫu trên 100.000 USD hoặc cao hơn nữa. Dù phần lớn các xe mui trần trên thị trường hiện tại đều đến từ các thương hiệu sang như Mercedes-Benz, BMW hay thậm chí là Rolls-Royce, Aston Martin… nhưng người dùng cũng không thiếu các lựa chọn “ngon, bổ, rẻ” hơn đến từ các thương hiệu xe Nhật Bản hoặc Mỹ. Nhìn chung, mức phổ thông của dòng xe này vào khoảng trung bình từ 35.000 đến 80.000 USD.
Hầu như mọi thương hiệu xe hiện tại đều có sản phẩm xe mui trần với kích thước, tính năng và giá thành rất phong phú. |
Động cơ và ngưỡng tiêu thụ nhiên liệu
Hầu hết các mẫu mui trần đều sử dụng động cơ bốn hoặc sáu xi lanh. Trong những mẫu cao cấp thuộc các dòng xe sang cũng sẽ có thêm tuỳ chọn V8. Trong thực tế vận hành, xe mui trần không tốn nhiên liệu nhiều hơn các dòng tương đương không mở mui. Với các dòng tầm trung, mức tiêu thụ có thể vào khoàng 11-12 lít / 100km. Trong khi đó, các mẫu V8 mạnh mẽ sẽ có thể cao hơn.
Tuy nhiên, hầu như chẳng mấy ai bỏ tiền mua xe mui trần mà lại quan tâm quá nhiều tới nhiên liệu cả. Xét cho cùng, chúng là những mẫu xe giúp tâm hồn bạn bay bổng và sẽ chẳng thú vị gì nếu vấn đề xăng dầu lại làm bạn phải đắn đo.
Xe mui trần thường hướng tới sự hưởng thu nhiều hơn là các tính toán “cân, đo, đong,đếm” thường ngày. |
Độ an toàn
Do đặc thù thiết kế trần thường không vững chắc như các xe thông thường, các loại xe mui trần thường có những thanh chắn cố định hoặc có thể di động nhằm bảo vệ người ngồi trong khi có tình huống lật xe xảy ra. Bên cạnh đó, túi khi bên hông cũng là mặc định trên các mẫu cao cấp (thường là tuỳ chọn trên các dòng mui trần phổ thông). Khác với xe mui kín, túi khí này trên xe mui trần thường có kích thước kéo dài lên cao – đủ để bảo vệ cả phần đầu của người ngồi trong xe. Ngoài ra, do có kính sau rất nhỏ hoặc thậm chí bị che khuất do thiết kế ngoại hình, xe mui trần có điểm mù rất lớn đối với tài xế - điều khiến cho các trang bị như hệ thống cảnh báo điểm mù, cảm biến lùi, camera lùi … là những tính năng hỗ trợ bắt buộc phải có. Nếu chiếc xe bạn đang nhắm tới thiếu một trong ba “món” này, hãy yêu cầu nhà cung cấp bổ sung ngay.
Kết cấu một chiếc xe mui trần thường có nhiều điểm riêng biệt khác với dòng thông thường. |
Tiện nghi và độ sang trọng
Là những chiếc xe mang thiên hướng giải trí và đáp ứng nhu cầu sành điệu, không có gì lạ khi những chiếc mui trần được trang bị vượt trội hơn các dòng xe mui kín. Ngay cả những chiếc tầm trung cũng có đủ điều hoà tự động, ghế sưởi, giao tiếp iPod, hệ thống dẫn đường, hệ thống khởi động xe không cần chìa, Bluetooth… Tuy nhiên, thứ thực sự riêng biệt và có hiệu quả quan trọng trên xe mui trần nằm ở các hệ thống hỗ trợ như chắn gió, ghế sưởi và làm mát (rất quan trọng khi hạ mui), da chống phản chiếu ánh sáng. Ngoài ra, việc chui vào hàng ghế sau của những dòng xe dạng này thường rất lích kích là điều gây nhiều khó chịu, vì thế những người mua xe sành sỏi thường chọn thêm tính năng nhớ ghế, dây bảo hiểm có thể trượt ra khỏi để tiện cho việc vào hàng ghế sau nhưng vẫn thuận tiện cho lái xe khi cần.
|
Thể tích cho hành khách và không gian nội thất
Khái niệm “Roadster” định nghĩa xe mui trần với 2 ghế ngồi. Trục cơ sở ngắn Trong khi đó, nhiều dòng xe có thêm 2 ghế nhỏ phía sau để tạo thành mô hình 2+2. Tuy nhiên ghế sau của chúng thường rất nhỏ và chỉ phù hợp với trẻ em là chính. Bạn cũng sẽ buộc phải gập ghế trước để vào. Một số mẫu kéo dài có thể đủ chỗ cho người lớn nhưng thường đánh đổi lại sự nhỏ gọn và linh hoạt của một mẫu xe Roadster đúng nghĩa.
Khoang chứa hành lý
Khác với phiên bản sedan hay thậm chí coupe vẫn duy trì được khoang chứa hành lý khá rộng rãi, xe mui trần thường rất yếu thế trong tiêu chí này – đặc biệt là với các bản mui cứng. Tuy nhiên, một số dòng xe khi thu mui vào vị trí vẫn đảm bảo được đủ không gian cho những loại hành lý đơn giản. Dù điều này là không nhất quán trên mọi dòng xe mui trần nhưng tối thiểu một điều bất cứ người tiêu dùng đang quan tâm tới xe mui trần nào cũng nên làm khi đi mua là kiểm tra khoang chứa hành lý một cách cẩn thận ở cả hai chế độ mở và đóng mui và tính toán xem những thứ mình thường mang theo cho một chuyến hành trình với chiếc xe sẽ nhiều tới đâu (thường thì số hành lý cho những chuyến du ngoạn với xe mui trần sẽ không nhiều như khi đi tới những nơi bạn cần một chiếc Sedan hay SUV).
Ai chẳng muốn có những giây phút thế này? |
Chức năng hạ mui: điện hay cơ?
Trên những mẫu mui mềm giá rẻ, các nhà sản xuất thường trang bị cơ chế đóng-mở rất đơn giản. Chúng yêu cầu người lái phải mở lẫy hoặc giật cáp để ra lệnh. Dĩ nhiên, hầu hết các xe đều có tuỳ chọn đóng mở điện nếu khách hàng chịu chi thêm một khoản. Trong khi đó, trên các dòng hạng sang, cơ chế đóng mở tự động gần như đã trở thành tiêu chuẩn mặc định. Để thực hiện thao tác này, người lái chỉ cần nhấn một nút điều khiển mà thôi. Một điều đáng lưu ý là ngoại trừ Jeep Wrangler, toàn bộ các loại xe với mui cứng đều sử dụng cơ chế điện.
Lái xe mui trần khi hạ mui
Nhiều dòng xe mui trần mới đều được trang bị các bộ cản gió đặt sau hàng ghế trước nhằm giảm nhiễu động không khí xuống mức tối thiểu khi xe di chuyển ở chế độ hạ mui. Một số hãng xe có thể thiết kế bộ phận này đồng thời đóng vai trò kính trần sau trong khi số khác (như Mercedes-Benz trên dòng E) lại tích hợp riêng một bộ nhô lên từ đầu kính lái nhằm duy trì sự êm ái cho không gian nội thất. Ngoài ra, để đảm bảo nhiệt độ cho hành khách khi hạ mui (không còn không gian kín), hầu hết các xe hiện tại đều có ghế tích hợp sưởi mặc định. Thậm chí, Mercedes-Benz hay Bentley còn giới thiệu hệ thống truyền khí nóng tới cổ và vai người ngồi qua các khe hở đặc biệt trên tựa đầu.
Dù chi phí ban đầu có thể cao hơn phiên bản mui kín, thường thì các khoản chi trong quá trình sử dụng xe mui trần không chênh nhiều. |
Chi phí sở hữu, vận hành
So với xe sedan hay coupe cùng loại, xe mui trần thường không tốn kém thêm chi phí trong việc vận hành. Tuy nhiên, một số chủ xe sở hữu các dòng mui mềm lâu năm thường có xu hướng thay thế bộ phận này. Dù vậy, do kết cấu ngày càng vững chắc, mui mềm của các dòng xe cũng có tuổi thọ khá lâu. Trong khi đó, đây không phải là vấn đề đối với xe mui cứng. Tuy nhiên sự phức tạp trong cơ cấu đóng, mở trên xe mui cứng có thể sẽ khiến chi phí sửa chữa đội lên khá nhiều nếu hỏng hóc bất ngờ xảy ra (đặc biệt là do các tình huống va chạm).
Ý kiến bạn đọc