(VnMedia) - Năm nay, mùa đông thực sự đặc biệt khi mang tới những đợt gió rét hơn hẳn các năm trước. Thậm chí trên các vùng cao, tuyết rơi đã tạo nên những khung cảnh thần tiên, tạo hứng khởi cho những chuyến đi khám phá. Tuy nhiên, cho dù bạn quyết tâm “ xách xe lên và đi” hay đơn giản chỉ sử dụng "cục cưng" của mình để trốn tránh giá rét hàng ngày trên phố, có những thủ thuật giúp cho xe của bạn luôn ở trạng thái sẵn sàng trong khí hậu lạnh. Dưới đây là 7 mẹo quan trọng mà bạn nên lần lượt thực hiện để tránh đẩy mình vào những tình huống không mấy dễ chịu dưới thời tiết mưa rét cắt da cắt thịt.
1. Dọn dẹp các viền và gioăng cửa
Song song với việc dọn dẹp nhà cửa cho mùa Tết, bạn nên dành chút thời gian để dọn dẹp chiếc xe của mình. Trên thực tế, sau tiết hè – thu, rất nhiều lá khô, cành cây vụn có thể đã và đang kẹt cứng trong các đường thoát nước trên xe. Hãy kiểm tra chân kính lái, các cánh cửa, lau sạch sẽ các gioăng cửa, cốp xe và cả cửa sổ trời nếu có.
Nhiều loại chất bẩn có thể sẽ kẹt cứng ở đó lâu ngày khiến tắc các đường thoát nước theo thiết kế của nhà sản xuất – điều khiển cho nước chảy ngược vào các vị trí không mong muốn như sàn xe, hốc lốp phụ và nhiêu chi tiết khác. Chúng sẽ gây rỉ các chi tiết kim loại và thậm chí là chập cháy các đường dây điện.
Ngoài ra, sự ẩm mốc cũng sẽ khiến xe của bạn rất khó ngửi – điều cực kì mệt mỏi trong mùa lạnh với các cửa kính đóng kín. Với các dòng xe có cửa sổ trời, vị trí này thường có đường thoát nước riêng theo gioăng để chảy xuống phía dưới, bạn nên lần theo và thông tắc chúng.
Trong một số trường hợp tệ hại nhất, chuột hoặc các loài côn trùng có thể làm tổ trong các vị trí hiểm trên xe, hãy thử lật nắp ca pô và kiểm tra mọi ngóc ngách với đèn pin. Trong trường hợp có dấu hiệu của chuột, bạn nên mang xe ra gara để kiểm tra tổng thể - tránh tình huống các đường ống dẫn chất lỏng kĩ thuật hoặc dây điện bị chúng gặm hỏng. Đây là điều tiềm ẩn những rủi ro khó nói trước.
2. Chăm sóc lốp xe
Trong nhiều bài viết tư vấn của nước ngoài, lốp xe mùa đông dành cho băng tuyết là thứ luôn có mặt. Tại Việt Nam, điều này thường không quá cần thiết – đặc biệt là nếu bạn chỉ loanh quanh trong phố. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc lốp xe bạn không cần những chăm sóc nhất định. Nhiệt độ thấp, khí hậu khô có thể khiến cao su lão hóa nhanh chóng đồng thời áp suất lốp thay đổi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tính năng vận hành của xe.
Lưu ý rằng một số người thường để lốp non hơi hoặc mặc kệ cho áp suất tụt xuống trong mùa đông với lý do xe sẽ êm ái và bám đường hơn. Tuy nhiên, trong khi lý do thứ nhất nghe khá hợp lý – chưa bàn tới những hậu quả đi kèm thì yếu tố thứ hai thường chỉ đúng trên các bề mặt mềm (cát lún, bùn hoặc tuyết dày), trên các mặt đường thông thường, lốp đúng áp suất vẫn là tiêu chí “chuẩn” nhất. Nó không chỉ giúp tuổi thọ lốp tăng lên, xe vận hành chuẩn mực mà còn giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Sau khi bơm lốp trở về đúng trạng thái của nhà sản xuất quy định (tham khảo thông số thường được in/dán ở cánh cửa lái của xe), bạn nên đảm bảo cả bốn van lốp (cũng như lốp phụ) đều có nắp đậy tử tế. Việc thiếu nắp đậy sẽ khiến hơi ẩm lọt vào bên trong lốp và gây ra hiện tượng rò rỉ khí cũng như nhiều hậu quả khó ưa khác.
3. Phụ kiện cho thời tiết giá rét
Mùa đông thường đi kèm những đặc sản như sương mù, mưa phùn và thậm chí là tuyết nếu bạn ở các vùng cao. Chúng đều sẽ làm giảm đáng kể tầm nhìn khi bạn trên đường di chuyển. Chính vì điều này, việc đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra lại cần gạt mưa và thay thế lưỡi nếu cần thiết. Các loại lưỡi gạt thông thường có tuổi thọ 1 năm. Tuy nhiên nếu đã phơi xe qua một mùa hè nhiệt đới ẩm tại Việt Nam, việc thay thế vào đầu mùa đông là điều hoàn toàn hợp lý. Tiêu chí quan trọng nhất là gạt mưa phải không kêu tiếng động lạ khi vận hành cũng như toàn bộ các chất bân cần được dọn sạch sau một lượt quét.
Lưu ý, nếu đi “phượt” đón tuyết tại các vùng cao. Hãy tránh việc để cần gạt ở chế độ bật khi ra khỏi xe. Trọng lượng tuyết rơi tì lên có thể khiến mô tơ bị quá tải và cháy ngay khi bạn vặn chìa khóa lên trong lần chạy sau đó.
Đối với kính lái và các loại gương, bạn có thể sử dụng xi bảo vệ hoặc hóa chất để chúng đỡ bị bám nước hơn khi trời mưa phùn. Những loại hóa chất này đều có thể mua ở các cửa hàng nội thất xe. Ngoài ra, hãy thử kiểm tra lại các tính năng cơ bản của xe như sưởi kính, sấy gương, rửa đèn… nhiều tính năng nếu lâu không sử dụng tới có thể gặp hỏng hóc mà bạn không hề biết đến.
4. Ắc quy của bạn đã đầy chưa ?
Có thể ít ai để ý nhưng mùa đông cũng đem tới sức ép không nhỏ cho ắc quy của xe – đặc biệt là với những chiếc xe thường xuyên phải đỗ ngoài trời. Để tránh tình trạng sáng sớm tinh mơ mưa rét phải loay hoay với một chiếc xe không có dấu hiệu của sự sống, bạn nên kiểm tra ngay ắc quy vào thời điểm này. Nếu có điều kiện, bạn cũng nên bảo dưỡng máy phát điện của xe và kiểm tra toàn bộ dây dẫn. Một số điểm cần lưu ý như độ rỉ sét của các cực ác quy (có thể dùng giấy ráp để vệ sinh), độ chặt của các mối nối, dây dẫn… Với các loại ắc quy nước, hãy để ý châm thêm sao cho vừa đủ lượng.
Nếu ắc quy đang dùng đã trên 2 năm tuổi, bạn nên xem xét thay một chiếc mới và giữ chiếc hiện tại làm dự phòng nếu nó còn sử dụng được. Tốt hơn cả, nếu có máy sạc ắc quy, hãy sạc đầy nó vào đầu mùa đông. Ngoài ra, tự tậu cho mình một bộ dây câu loại tốt (nếu chưa có) cũng là điều nên làm vào lúc này. Mùa đông lạnh là lúc bạn tận dụng tối đa các tiện ích điện trên xe – từ sưởi ghế cho tới sấy kính và các loại đèn, chắc chắn, bạn sẽ không muốn hệ thống điện của mình gặp trục trặc chút nào!
5. Một số hóa chất kỹ thuật cho mùa đông
Với nhiều người có kinh nghiệm, mùa đông tới cũng là lúc kiểm tra lại toàn bộ các hóa chất kĩ thuật có trên xe. Nếu bạn ở vùng cao với nhiệt độ thấp, điều đầu tiên cần làm là hãy xem xét thay dầu máy mới. Trong quy trình này, bạn chú ý tham khảo chỉ số nhớt sao cho phù hợp. Một số loại dầu có thể sử dụng bình thường trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng có thể trở nên không phù hợp trong tiết đông lạnh – đặc biệt là ở tiệm cận 0 độ trên các vùng cao.
Ngoài dầu, bạn cũng nên bổ sung thêm nước làm mát, nước rửa kính. Đây đều là những thao tác hết sức dễ dàng và không cần tới sự trợ giúp của gara chuyên nghiệp. Chỉ cần bạn lưu ý các thông số và chỉ dẫn của nhà sản xuất là mọi việc đều ổn. Nếu xe còn mới, bạn không nhất thiết phải thay thế toàn bộ nước làm mát động cơ. Hầu hết các xe mới đều có thể chạy khoảng 3 năm (hoặc ~5 vạn km) trước khi phải thay nước làm mát mới (bạn có thể tham khảo tài liệu của xe để biết chính xác con số này.
Với xe máy dầu, do đặc điểm dầu tại Việt Nam đôi khi chỉ 7-8 độ đã bắt đầu có hiện tượng đông thành gel, bạn hãy xem xét đặt mua trước các loại phụ gia cần thiết để chống đông – đặc biệt là trước các chuyến hành trình dài ngày.
6. Những đồ dùng khẩn cấp
Trong những ngày này – đặc biệt là nếu bạn có những chuyến về thăm quê hương, dã ngoại sát các kì nghỉ, việc bổ sung thêm một số trang bị các nhân cho xe là điều nên làm. Giá đông rét mướt có thể đem tới nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như kĩ thuật nhiều hơn bạn nghĩ. Đơn giản nhất, đó là việc bổ sung thêm một chiếc chăn, đôi găng tay vào buồng lái xe – tốt nhất là nằm trong tầm với của người lái.
Một số tay lái có kinh nghiệm thường chọn các loại chăn siêu nhẹ và mỏng (thứ vốn thường được dùng trên máy bay) cho trường hợp này.
Nếu thường xuyên “phượt” lên các vùng cao, bạn cũng nên tích bật lửa, nến (lưu ý bảo quản và cất cẩn thận để tránh va chạm, cháy nổ). Ngoài ra, áo mưa và ô cũng là hai thứ nên được xem xét cho lên xe.
7. Kiểm tra, vệ sinh lại đèn
Cuối cùng, một bước chuẩn bị rất quan trọng đó là kiểm tra lại toàn bộ đèn đóm trên xe – đặc biệt là các đèn tín hiệu. Mùa đông thường đi kèm với điều kiện giao thông kém đi do sương mù và trời âm u. Như thế, mọi nguồn sáng trên xe sẽ là thứ giữ bạn tránh khỏi những rắc rối ngoài ý muốn.
Các bước kiểm tra dễ nhất gồm có lau chùi lại các bề mặt đèn, sử dụng một chút kem đánh răng hoặc xi cana sẽ giúp mặt đèn sáng bóng và tẩy đi các vết ố bẩn. Kiểm tra các bóng đèn và thay thế những chiếc đã có hiện tượng lão hóa dây tóc hoặc cháy – đặc biệt là các đèn tín hiệu như xi nhan, đèn phanh… Một số loại đèn có thể bị “lãng quên” gồm đèn tín hiệu cửa, đèn trần xe cũng cần được kiểm tra. Nếu có điều kiện, bạn nên thay chúng sang các loại đèn LED mới có tuổi thọ dài hơn và tiết kiệm điện cũng như sáng sủa hơn rất nhiều.
Với các loại xe sử dụng đèn Xenon hay LED hiện đại, bạn cũng nên kiểm tra độ sáng có bình thường hay không (có thể nhờ các gara chuyên nghiệp). Chúng cực kì quan trọng đối với sự an toàn và khả năng điều khiển xe của bạn.
Ý kiến bạn đọc