(VnMedia)- Mercedes-Benz Việt Nam bị cơ quan Hải quan truy thu gần 110 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu ô tô. Đây là thương hiệu xe sang thứ 5 tại Việt Nam sau BMW, Land Rover, Jaguar, Rolls-Royce bị ấn định số tiền thuế từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, trong quá trình kiểm tra sau thông quan, cơ quan Hải quan đã phát hiện có sự chênh lệch về thuế nhập khẩu ô tô của công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam. Vì thế, cơ quan Hải quan đã ban hành Quyết định ấn định thuế số 533/QĐ-KTSTQ ngày 20/10/2016. Tổng số tiền bị truy thu theo bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) lên tới gần 110 tỷ đồng.
Ngay sau đó đúng 1 ngày, Mercedes-Benz Việt Nam đã có Đơn xin cứu xét khẩn cấp về Quyết định 533/QĐ-KTSTQ nêu trên. Tuy nhiên, ngày 7/11/2016, Tổng cục Hải quan đã có công văn phản hồi và cho biết, căn cứ kết quả kiểm tra, giải trình của Mercedes-Benz Việt Nam, căn cứ theo các quy định hiện hành, Cục Kiểm tra sau thông quan không chấp nhận nội dung khai báo trong trường hợp người khai hải quan khai chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa chính xác các tiêu chí trên tờ khai hải quan, tờ khai trị giá (không khai báo mối quan hệ đặc biệt trên tờ khai hải quan hoặc tờ khai trị giá).
Mercedes-Benz là thương hiệu xe sang thứ 5 bị truy thu thuế tại Việt Nam |
Tổng cục Hải quan cũng khẳng định cơ quan hải quan áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá để xác định trị giá cho các lô hàng nhập khẩu không chấp nhận trị giá khai báo nêu trên. Trong quá trình kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra và ban hành các quyết định hành chính có liên quan, Cục Kiểm tra sau thông quan đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Trước đề nghị giãn thời hạn nộp thuế, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, theo quy định “Người nộp thuế phải nộp số thuế ấn định theo thông báo của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp không đồng ý với số thuế do cơ quan quản lý thuế ấn định thì người nộp thuế vẫn phải nộp số thuế đó, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích hoặc khiếu nại, khởi kiện về việc ấn định thuế”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Nhiễu cũng cho biết, quá trình kiểm tra sau thông quan và ra quyết định ấn định thuế là bình thường khi có sự chênh lệch. Trong quá trình làm việc, cơ quan Hải quan đã nhận được sự hợp tác tích cực từ phía Mercedes-Benz Việt Nam và công ty này đã nộp đủ số tiền thuế nêu trên trước Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tiến Đạt, phụ trách quan hệ công chúng của Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, Mercedes-Benz Việt Nam đã nhận biết được thông tin này, tuy nhiên, đây là một quy trình kiểm tra thông thường từ phía cơ quan thuế.
“Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với Tổng cục Hải Quan Việt Nam về kết quả ấn định thuế sau thông quan với tinh thần hợp tác cao nhất. Cụ thể, chúng tôi đang trao đổi và phân tích để xác định phương pháp tính thuế chính xác. Chúng tôi hy vọng sẽ có được sự đồng thuận trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian này, chúng tôi đã hoàn thành và tuân thủ mọi nghĩa vụ thuế liên quan” – ông Đạt cho biết.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, tháng 11/2016, công ty Tân Thành Đô- nhà phân phối xe Land Rover và Jaguar nhận phán quyết truy thu thuế 719 tỷ đồng sau khi bị phát hiện việc khai báo trị giá hải quan thấp. Đây là đơn vị phân phối xe chính hãng 3 thương hiệu gồm Land Rover, Jaguar và mới đây là Volkswagen.
Cũng trong tháng 11/2016, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã ra Quyết định ấn định thuế với hàng hóa nhập khẩu của Công ty cổ phần Ô tô Regal (công ty Regal)– đơn vị phân phối chính hãng thương hiệu xe Rolls-Royce tại Việt Nam với yêu cầu truy thu thêm gần 50 tỷ đồng.
Nghiêm trọng hơn, cuối tháng 11/2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW (trừ đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao); đồng thời làm việc cụ thể với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét khởi tố vụ án đối với những hành vi sai phạm của Công ty Euro Auto theo quy định.
Phương Vũ
Ý kiến bạn đọc