- Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm qua (3/10) cho biết Châu Âu đang phải đối mặt với “những rủi ro chưa từng có” liên quan đến nguồn cung khí đốt tự nhiên trong mùa đông này sau khi Nga đóng hầu hết các đường ống cung cấp khí đốt của nước này. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo rằng các quốc gia châu Âu có thể sẽ phải cạnh tranh với châu Á để tranh giành nguồn cung khí lỏng đắt đỏ và khan hiếm được vận chuyển bằng đường biển.
IEA cho hay, theo báo cáo khí đốt hàng quý của mình, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sẽ cần giảm 13% việc sử dụng khí đốt tự nhiên trong mùa đông trong trường hợp Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung vì cuộc chiến ở Ukraine. Phần lớn sự cắt giảm đó sẽ phải đến từ hành vi của người tiêu dùng.
Liên minh Châu Âu (EU) hồi cuối tuần trước đã đồng ý bắt các nước phải giảm tiêu thụ điện ít nhất 5% trong giờ cao điểm.
Chỉ một lượng nhỏ khí đốt của Nga đang được cung cấp qua đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine đến Slovakia và qua Biển Đen qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria. Hai tuyến đường khác, dưới Biển Baltic đến Đức và qua Belarus và Ba Lan, đã ngừng hoạt động.
Một nguy cơ khác được chú ý là đợt lạnh giá vào cuối mùa đông. Thời điểm này sẽ đặc biệt khó khăn vì trữ lượng khí đốt dưới lòng đất chảy chậm hơn vào cuối mùa do ít khí đốt hơn và áp suất thấp hơn trong các hầm chứa. EU đã lấp đầy kho dự trữ tới 88%, vượt qua mục tiêu 80% trước mùa đông. IEA cho rằng các kho dự trữ sẽ cần lấp đầy 90% trong kịch bản Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Các doanh nghiệp ở châu Âu đã cắt giảm việc sử dụng khí đốt tự nhiên, đôi khi chỉ đơn giản bằng cách từ bỏ hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép và phân bón, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn như tiệm bánh đang cảm nhận được những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chi phí của họ.
Giá khí đốt tự nhiên cao đang thúc đẩy lạm phát tiêu dùng kỷ lục 10% ở 19 quốc gia EU sử dụng đồng tiền chung euro. Giá năng lượng cao đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng đến mức các nhà kinh tế dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái vào cuối năm nay và đầu năm sau.