(VnMedia) -
Theo WTO, xếp hạng xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 so với các nền kinh tế khác trên thế giới đã có bước nhảy vọt. Trong khi các nước ASEAN khác không có nhiều thay đổi về xếp hạng, vươn lên ngang bằng với Malaysia và Thái Lan, bỏ xa Philippines và Indonesia.
Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tiến sát 400 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại đã cho thấy những kết quả rõ nét khi xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang dần tiến đến mốc 400 tỷ USD trong năm 2017 với tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu đều trên 21%.
Các số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 11/2017, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 385,77 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 194,47 tỷ USD, tăng 21,5% và nhập khẩu là 191,47 tỷ USD, tăng 21,2%.
Như vậy, chỉ còn hơn 14 tỷ USD nữa là xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD. Nếu tính theo mức trung bình trong 11 tháng đầu năm, mỗi tháng đạt 35 tỷ USD, thì chỉ trong nửa đầu tháng 12, xuất nhập khẩu cả nước sẽ đạt được con số 400 tỷ USD.
“Sau 1 thập kỷ, kể từ lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 100 tỷ USD vào năm 2007, xuất nhập khẩu hàng hóa đã tăng gấp 4 lần. Đặc biệt, chúng ta chỉ mất 2 năm để đưa kim ngạch xuất nhập khẩu từ mức 300 tỷ USD (năm 2015) lên mốc 400 tỷ USD”, Tổng cục Thống kê cho hay.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong khu vực và trên thế giới, xếp hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đạt những bước tiến rõ rệt.
Bằng chứng, theo WTO, xếp hạng xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 so với các nền kinh tế khác trên thế giới đã có bước nhảy vọt. Chỉ trong vòng 10 năm từ 2006-2016 đã tăng 24 bậc đối với xuất khẩu và 19 bậc với nhập khẩu, trong khi các nước ASEAN khác không có nhiều thay đổi về xếp hạng, vươn lên ngang bằng với Malaysia và Thái Lan, bỏ xa Philippines và Indonesia.
Tính đến hết tháng 11/2017, cả nước đã có 26/45 nhóm hàng xuất khẩu chính đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có tới 5 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Đặc biệt, đến hết tháng 11/2017, chỉ có 3 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm là cà phê, hạt tiêu và nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm.
Nhập khẩu hàng hóa cả nước cũng có tới 31/53 nhóm hàng nhập khẩu chính đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác.
Đến thời điểm hiện nay, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đã vượt xa những chỉ tiêu kế hoạch đặt ra hồi đầu năm là xuất khẩu tăng 6% và nhập siêu bằng 3,5% tổng trị giá xuất khẩu.
Hoạt động thương mại đang là điểm sáng của Việt Nam
Cũng đưa ra những nhận định về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó nhập khẩu được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn.
Về cán cân thương mại, trong tháng 11/2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, xuất khẩu gạo tạo nhiều ấn tượng khi trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 2,5 tỷ USD, tăng 24,9%.
Đáng chú ý là mặc dù gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng trưởng mạnh (11 tháng tăng 24,1% về lượng và 24,9% về trị giá so với cùng kỳ 2016), do tác động của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo tại một số nước giảm qua đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như: Trung Quốc, Malaysia, Philippin, Hàn Quốc…
Đặc biệt việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như Bangladesh, Irắc… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng trong năm nay.
Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng ước đạt 157,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch cao là mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại.
Cụ thể, trong 11 tháng năm 2017, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu (tăng khoảng 16 tỷ USD so với 11 tháng năm 2016).
Điện thoại các loại và linh kiện đạt 41,29 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 9,7 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,6 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 6,5 tỷ USD.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc