Nêu tên các Bộ, địa phương - đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp thoái vốn chậm

07:13, 01/12/2017
|
(VnMedia) - Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp giao ban tháng 11/2017 của Ban Chỉ đạo.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá năm 2017, Chính phủ, các bộ, địa phương đã tích cực, quyết liệt và cẩn trọng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thoái vốn Nhà nước tại DN. 
 
Khi chưa ban hành văn bản mới về bán vốn Nhà nước tại DN (thay thế cho Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước tại DN), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ cho bán vốn Nhà nước theo phương thức chào bán cạnh tranh, điều chỉnh sổ sách kế toán cho các DN cổ phần hoá còn lại của năm 2017. Kết quả của việc này là việc bán vốn Nhà nước thành công tại Vinamilk và tiếp tới cơ chế này sẽ áp dụng cho Sabeco.
 
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt các đề án lớn, quan trọng liên quan tới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới tổ chức, quản lý DN; lần đầu tiên ban hành danh mục DNNN cổ phần hoá và bán vốn Nhà nước theo từng năm cho tới năm 2020...
 
Ở cấp địa phương, với DNNN có quy mô lớn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cấp uỷ và chính quyền TP. Hà Nội đã thực hiện chặt chẽ, bài bản các giải pháp xác định giá trị DN, bảo đảm không thất thoát vốn Nhà nước khi cổ phần hoá trong thời gian tới.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị trong tháng 12/2017, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào DN để tạo ra hành lang pháp lý nhất quán cho công tác cổ phần hoá, sắp xếp và phát triển DN.
 
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong 11 tháng  năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hoá 21 DNNN, trong đó có 4 Tổng công ty: Sông Đà, IDICO, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương. Tổng số tiền thu từ cổ phần hoá là 2.214,64 tỷ đồng, bao gồm cả giá trị bán cổ phần lần đầu của IDCO là 1,324 tỷ đồng và Thanh Lễ Bình Dương là 175,4 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
 
Nếu tính cả các DN thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì tính đến hết tháng 11 này, cả nước đã cổ phần hoá 43 DNNN. Dự kiến cả năm nay, cả nước sẽ hoàn thành cổ phần hoá 55 DNNN, bằng số DN cổ phần hoá năm 2016.
 
Về thoái vốn Nhà nước tại DN, lũy kế 11 tháng năm 2017, các đơn vị đã thoái được 5.209,4 tỷ đồng, thu về hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó có số thu hơn 20.000 tỷ đồng sau 2 lần thoái vốn tại Vinamilk.
 
Như vậy, nhiệm vụ thu từ thoái vốn, cổ phần hoá phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 là hơn 22.709 tỷ đồng, đạt 37,84% kế hoạch. Dự kiến từ nay tới cuối năm Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO của các Tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương, từ thoái vốn Nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương, chưa kể nguồn thu từ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục làm rõ quy mô, tỷ lệ phần trăm cổ phần đã bán lần đầu ra công chúng trong 11 tháng; nêu rõ các Bộ, địa phương - đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN thoái vốn chậm,... để xây dựng báo cáo hoàn chỉnh, chi tiết về công tác cổ phần hoá năm 2017, trình Chính phủ thảo luận.
 
Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần thúc ép các bộ, địa phương chậm bán vốn Nhà nước giao lại quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện để đẩy nhanh tiến độ bán vốn trong thời gian tới.
 
Xây dựng đề án tái cơ cấu ngành du lịch
 
Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch và một số chuyên gia, đại diện DN du lịch lớn về một số nội dung của đề án tái cơ cấu ngành du lịch.
 
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết những vấn đề lớn được đặt ra trong đề án là phát triển các dòng sản phẩm du lịch; quy hoạch, quản lý môi trường điểm đến; nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật; cơ cấu các loại hình DN du lịch và vai trò của các DN “đầu đàn”…
 
Những vấn đề này được đưa ra dựa trên thực trạng của du lịch Việt Nam hiện nay. Đó là cơ cấu sản phẩm du lịch tiếp cận theo chuỗi giá trị còn khập khiễng. Các sản phẩm thương mại, nông nghiệp chưa định hướng phát triển thành sản phẩm đầu vào để hình thành sản phẩm du lịch. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Các DN lớn chưa hỗ trợ cộng đồng DN du lịch cùng phát triển vững mạnh. Lao động du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có năng lực cạnh tranh. Nhiều nơi du lịch phát triển tự phát, thiếu tính bền vững, thiếu tính quy luật của thị trường.
 
Từ thực tế này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đề án tái cơ cấu ngành du lịch phải trả lời những câu hỏi như: Tái cơ cấu những gì, tập trung phát triển sản phẩm như thế nào, tạo ra xung lực mới ra sao và nhất định phải nêu rõ lộ trình, trách nhiệm cụ thể, giải pháp, cách làm.
 
Đây cũng là nội dung góp ý của các chuyên gia, đại diện DN du lịch lớn trong cuộc họp. Các ý kiến đã đóng góp nhiều nội dung về phát triển các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực…
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng đề án nhất thiết phải nêu lên một số điểm nóng, vấn đề nóng và có lộ trình tập trung giải quyết dứt điểm. Đề án nên định hướng hình thành những sản phẩm du lịch quốc gia gắn với khu du lịch trọng điểm từ đó có kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản ngay từ đầu.
 
Một vấn đề nhận được rất nhiều góp ý đó là sự phối hợp giữa DN và Tổng cục Du lịch, các địa phương trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại những sự kiện du lịch lớn trên thế giới. Đại diện các doanh nghiệp đã nêu ra nhiều cơ chế hợp tác với Tổng cục Du lịch để triển khai các hoạt động xúc tiến tại các hội chợ, sử dụng CNTT để quảng bá qua mạng Internet, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…
 
Từ các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh để phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành du lịch phải được triển khai với tư duy mới, thật thiết thực. Đó là giải quyết căn bản từng vấn đề, bất cập từ xúc tiến, quảng bá, giao thông hàng không, thủ tục xuất nhập cảnh đến quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, vệ sinh thực phẩm.
 
Tái cơ cấu phải xuất phát từ sản phẩm du lịch, tiếp đế là thị trường, nhân lực, đầu tư hạ tầng, quản lý các điểm đến…
 
“Tinh thần là Trung ương làm chính sách, thanh tra kiểm tra, triển khai cụ thể là các địa phương. Đề án cần xác định thời gian, lộ trình cụ thể cũng như các khu vực du lịch trọng điểm. Trong phát triển sản phẩm du lịch cần xác định rõ ai sẽ làm. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách, từ DN được huy động, sử dụng ra sao”, Phó Thủ tướng gợi ý và đề nghị Tổng cục Du lịch cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của chuyên gia, DN, hoàn thiện đề án với tinh thần “chi tiết nhất có thể, tránh chung chung”. Đặc biệt phải có danh sách một số việc cần làm triệt để, căn bản nhằm giải quyết những “điểm nóng” đang gây bức xúc cho du khách, DN làm du lịch.
 
Đinh Bách

Ý kiến bạn đọc