Kết hợp thu bảo hiểm xã hội sẽ có lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính

07:51, 06/12/2017
|

(VnMedia) Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc kết hợp nguồn lực giữa cơ quan Thuế và cơ quan Bảo hiểm để thu BHXH sẽ có lợi cho những DN làm ăn chân chínhĐó là ý kiến được nêu tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ngày 5/12/2017, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Tư vấn thuế tổ chức.

Tại Hội thảo đại diện Tổng Cục Thuế cho biết, dự thảo Luật Quản lý thuế sẽ được sửa đổi về các quy định quản lý các loại thuế (khai, thu, nộp, hoàn, miễn, giảm thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thanh tra, kiểm tra…), mối quan hệ giữa thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước (bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí). Văn bản này sẽ có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thuế của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh.

Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề cương xây dựng luật Quản lý thuế (sửa đổi)

 

Kết hợp thu bảo hiểm xã hội sẽ có lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính

Về đề xuất cơ quan Thuế thu bảo hiểm xã hội (BHXH), tại Dự Thảo tờ trình đề xuất xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi mới được Bộ Tài chính công bố và lấy ý kiến rộng rãi, cơ quan quản lý cho rằng, việc bổ sung quy định cơ quan Thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH) mang tính bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động không những góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng tờ khai, thời gian, chi phí… đối với doanh nghiệp mà cả giảm chi phí quản lý của cơ quan chức năng. Theo đó, phương án này giúp cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đơn vị sử dụng lao động chỉ phải khai, nộp thuế cùng BHXH tại một cơ quan và thực hiện trên cùng một tờ khai.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc kết hợp nguồn lực giữa cơ quan Thuế và cơ quan Bảo hiểm để thu BHXH sẽ có lợi cho những DN làm ăn chân chính, bởi khi DN kê khai rõ ràng đầy đủ các khoản thu và chi của DN và người lao động, thì có thể làm căn cứ để giảm mức thu BHXH DN. Khi cơ quan quản lý thu hiệu quả, làm việc đến nơi đến chốn thì chi phí thu sẽ giảm. Việc này cũng sẽ có lợi cho người người lao động.

Vẫn còn một số áp lực cho doanh nghiệp

Góp ý một số điểm mới trong dự thảo Luật Quản lý thuế, một số ý kiến đã nêu quan điểm và kiến nghị với cơ quan xây dựng Luật này. Theo đó về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) quy định, đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm, đó là chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm; chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý; chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.

Bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young cho rằng, đối với hồ sơ và thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, việc quy định doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và các tài liệu về thông tin giao dịch liên kết… có cùng một thời hạn nộp (chậm nhất ngày thứ 90 kể từ khi kết thúc năm tài chính) đã không còn phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông lệ quốc tế.

Cụ thể, việc nộp báo cáo tài chính và hồ sơ quyết toán thuế cùng một thời điểm gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp vì quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phải dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Hệ quả là doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình.

Góp ý về giải pháp cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp cho rằng hiện tại các khoản bảo hiểm bắt buộc đang được cơ quan bảo hiểm theo dõi và có thông báo đối chiếu với doanh nghiệp hàng tháng, ngoài việc thu nộp, cơ quan bảo hiểm còn phải thanh toán cho DN các khoản trợ cấp thai sản, ốm đau. Vì vậy, việc theo dõi đúng hoặc không đúng sổ phải nộp, đã nộp bảo hiểm của DN còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Về phía cơ quan thuế, các doanh nghiệp cho rằng việc theo dõi nợ thuế đối với doanh nghiệp còn nhiều trường hợp chưa chính xác, thời gian vừa qua còn rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bị thông báo sai số thuế nợ đọng. Theo đó, phía doanh nghiệp đề nghị giữ như hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu giảm số ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế để doanh nghiệp có thời gian tập trung vào công việc kinh doanh và không thể để doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian phục vụ cho công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, theo Dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi), hiện nay thời hạn thanh tra thuế không quá 45 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Trường hợp thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở người nộp thuế.

Đinh Bách (bài, ảnh)


Ý kiến bạn đọc