(VnMedia)- Cứ tháng Một hàng năm, khi thời tiết tại Nhật Bản vẫn còn khá lạnh, thì tại tỉnh Gunma ở phía Tây Bắc của vùng Kanto trên đảo Honshu, hàng nghìn lượt du khách và người dân địa phương lại nô nức kéo về trang trại Nakazato để thử một trải nghiệm khá “lạ thường”: hái dâu tây trên nền nhạc giao hưởng thính phòng Mozart.
“Nhạc giao hưởng đã chứng minh khả năng làm giảm stress đối với con người, được cho là cũng có tác dụng tương tự trên cây trồng và hoa quả, khiến mùi vị của chúng ngọt hơn và ngon hơn”, đại diện Farmdo, chủ đầu tư của trang trại, lý giải về việc canh tác 80.000 cây “dâu tây giao hưởng” trong nhà kính cùng với “cà chua giao hưởng”.
Nông nghiệp “cộng sinh” cùng năng lượng tái tạo
Ứng dụng nhạc giao hưởng trong canh tác chỉ là một trong nhiều công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Farmdo, một tên tuổi khá nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản.
Bắt đầu từ canh tác và sản xuất nông nghiệp truyền thống, Farmdo đã nhanh chóng chuyển mình và sáng tạo để theo kịp yêu cầu của những xu hướng kinh tế - xã hội hiện đại tại Nhật Bản.
Điển hình nhất, hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của Chính phủ Nhật Bản, từ năm 2011, Farmdo đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ nông nghiệp kết hợp sản xuất năng lượng mặt trời.
Với dự án điện năng lượng mặt trời triển khai tại tỉnh Gunma, 100 tấm pin lắp đặt trên diện tích 23.000 mét vuông sản sinh năng lượng không chỉ đủ để phục vụ hoạt động canh tác của trang trại, mà còn dư để bán lại cho người dân địa phương với giá cả phải chăng.
“Mô hình này cũng đang được Farmdo bắt tay triển khai tại Mông Cổ và Myanmar, giúp tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng thực phẩm và sức khỏe con người”, đại diện Farmdo cho biết.
Lợi ích lớn nhất của mô hình này là có thể tiến hành song song hai quá trình sản xuất điện năng và sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích canh tác. Người ta dựng các tấm pin mặt trời lưỡng diện trên cao để tái tạo năng lượng còn diện tích phía dưới sẽ được tận dụng để trồng trọt, giúp tăng tổng năng suất đất, bao gồm cả sản lượng cây trồng và điện năng.
Mới đây nhất, Farmdo đã chọn được điểm đến mới để triển khai các ứng dụng trên tại châu Á, đó là Việt Nam, với nhà đầu tư bản địa là Tập đoàn FLC. Đây là thương vụ hợp tác đầu tiên mà Farmdo ký kết với một doanh nghiệp tại Việt Nam.
Những nhân tố không thể không nhắc đến trong hợp tác Farmdo - FLC là ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và ông Norio Hattori, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và hiện là Trưởng Văn phòng Đại diện FLC tại Nhật Bản.
Với hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và lợi thế của cả Farmdo và FLC, chính ông Nguyễn Quốc Cường đã "bắc cầu" để hai đối tác có buổi gặp nhau đầu tiên, trong roadshow quảng bá của FLC tại Tokyo, Nhật Bản hồi tháng 9 vừa qua. Đồng thời với sự hỗ trợ của ông Norio Hattori, hai bên đã nhanh chóng đi tới ký kết hợp tác trong tháng 12.
"Mô hình tiên tiến của Farmdo rất thích hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sạch của FLC. Tôi tin rằng với nhiều điểm chung giữa hai quốc gia, công nghệ của Farmdo sẽ nhanh chóng được áp dụng tại các dự án của FLC, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, không chỉ mang lại lợi ích cho FLC mà còn mang lại lợi ích cho nền nông nghiệp nói chung tại Việt Nam", ông Norio Hattori nói.
Những điểm tương đồng
“Mô hình điện năng lượng mặt trời này đặc biệt thích hợp triển khai tại các khu vực có số giờ nắng nhiều và mật độ năng lượng bức xạ cao trong ngày, như miền Trung và Nam Bộ của Việt Nam”, Chủ tịch Farmdo, ông Masayuki Iwai nói.
Đây cũng là những khu vực mà FLC đã xác định là địa bàn chiến lược để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam - một lĩnh vực hoạt động mới được tập đoàn này công bố gần đây, nhưng đã được lên kế hoạch chuẩn bị từ khá lâu.
Với các bước chuẩn bị tạo tiền đề, FLC đã ghi tên trong danh sách dự án đất nông nghiệp có diện tích 4.000 ha trải trên nhiều khu vực, như các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Thanh Hóa…, những nơi được đánh giá là sở hữu thời tiết thuận lợi để phát triển những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có một điểm chung thú vị giữa mô hình đầu tư của Farmdo cũng như FLC, đó là cả hai doanh nghiệp đều có xu hướng rót vốn lớn nhằm cải tạo những khu vực từng là đất hoang hóa, ít khả năng khai thác, như trang trại Nakazato tại Nhật Bản của Farmdo, hay các khu vực đầu tư quần thể nghỉ dưỡng của FLC tại Sầm Sơn - Thanh Hóa (nằm trên nơi từng là đầm lầy), Hạ Long - Quảng Ninh (nằm trên đồi cao), hay Quy Nhơn - Bình Định (nằm trên bãi cát hoang).
Bên cạnh lợi thế về quỹ đất, FLC cũng cho thấy đang ấp ủ mục tiêu lớn khi tiến quân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong nước, với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2018-2020 được xác định ở mức 1,5 tỷ USD.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói, ông hy vọng ưu thế về tốc độ - điều người ta đã thấy trong các dự án bất động sản của FLC - sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong dự án mới về nông nghiệp, trong nỗ lực sớm mang lại thêm một thương hiệu nông nghiệp chất lượng cao cho thị trường trong nước, đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, vì sức khỏe và tương lai lâu dài của người dân.
Đây cũng là mục tiêu phù hợp với triết lý kinh doanh được gìn giữ qua hơn hai thập kỷ của Farmdo - cung cấp cho người dân nông sản sạch từ vườn lên đĩa, cùng lúc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Phạm Phạm