Chứng khoán suy giảm: Chiến lược nào cho nhà đầu tư?

06:54, 18/12/2017
|

(VnMedia) – Theo các công ty chứng khoán,  trong những phiên giao dịch tới, nhà đầu tư lướt sóng có thể tiếp tục cân nhắc mở vị thế mua tại các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền. Còn các nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn có thể nắm giữ các cổ phiếu có kỳ vọng tăng trưởng tích cực quý 4 và cả năm 2017.

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm giá

Tiếp nối xu hướng giảm giá của tuần trước, thị trường chứng khoán tuần vừa qua (từ 11 – 15/12) tiếp tục chứng kiến những phiên đi xuống. Giao dịch vẫn khá thận trọng, dòng tiền đưa vào sàn theo đó cũng sụt giảm đáng kể so với tuần trước.

Theo đó, đà đi xuống đã hiện hữu ngay từ khi thị trường mở cửa phiên đầu tuần. Áp lực bán tháo diễn ra mạnh mẽ trên sàn, trong đó những mã lớn như SAB, nhóm ngân hàng, dầu khí... lần lượt mất giá.

Sau phiên không mấy khả quan đầu tuần, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến những phiên trồi sụt tăng, giảm. Hoạt động mua bán diễn ra trong thận trọng và lượng bán ra được nhiều nhà đầu tư thực hiện.

Số cổ phiếu đi xuống liên tục áp đảo trên sàn, trong đó nhiều mã cổ phiếu lớn và nhóm ngân hàng đều lao dốc.

Với diễn biến mờ nhạt trong tuần, tính chung cả tuần qua, các chỉ số trên thị trường tiếp tục đồng loạt giảm điểm. Cụ thể, chỉ số Vn-Index đã kết thúc tuần với mức giảm 0,53% và đứng tại mốc 935,16 điểm khi chốt phiên làm việc cuối tuần. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa tuần với mức giảm 1,93% khi đang dừng ở 111,61 điểm.

Chứng khoán trong nước tiếp tục chứng kiến thêm một tuần mất giá. Nguồn ảnh: Internet
Chứng khoán trong nước tiếp tục chứng kiến thêm một tuần mất giá. Nguồn ảnh: Internet

Cùng với các chỉ số, thanh khoản trên cả hai sàn cũng đồng loạt sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt 181,25 triệu đơn vị/phiên, sụt giảm 12,19% so với tuần giao dịch trước. Trong khi đó, trên sàn Hà Nội đạt 59,38 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 11,24%.

Bên cạnh đà đi xuống của các chỉ số, thị trường chứng khoán tuần vừa qua cũng ghi nhận nhiều mã giảm giá, với mức cao nhất gần 24% giá trị trong 1 tuần  giao dịch.

Tại sàn TP.HCM, cổ phiếu giảm mạnh nhất là PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam. Với cả 5 phiên đi xuống (trong đó 2 phiên giảm sàn), PNC đã mất gần 24% giá trị, từ mức 35.350 đồng/cổ phiếu hôm 8/12 xuống còn 26.900 đồng/cổ phiếu hôm 15/12.

Giữ ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu TLD của  Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long, với mức giảm hơn 18% giá trị, từ mức 15.400 đồng/cổ phiếu hôm cuối 8/12 xuống còn 12.600 đồng/cổ phiêu khi chốt phiên cuối tuần này 15/12.

Cổ phiếu HOT của Công ty cổ phần Du lịch - Dịch vụ Hội An giữ vị trí thứ 3, với mức giảm gần 14% giá trị, từ mức 24.650 đồng/cổ phiếu hôm 8/12 xuống còn 21.250 đồng/cổ phiếu hôm 15/12.

Trong khi đó, bên sàn Hà Nội PIV của Công ty cổ phần PIV với mức giảm cũng gần 24%, từ mức 14.700 đồng/cổ phiếu hôm 8/12 xuống còn 11.200 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 15/12.

Cổ phiếu MST của Công ty cổ phần Xây dựng 1.1.6.8 giữ vị trí thứ 2 với mức giảm hơn 23% giá trị, từ mức 7.700 đồng/cổ phiếu hôm 8/12 xuống còn 5.900 đồng/cổ phiếu hôm 15/12.

Giữ vị trí thứ 3 là cổ phiếu OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương, với mức gần 23%, từ 7.100 đồng/cổ phiếu hôm 8/12 xuống còn 5.500 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 15/12.

Thị trường chứng khoán có thể tăng trở lại

Thị trường chứng khoán tuần qua đã tiếp tục chứng kiến thêm một tuần đi xuống, nhưng theo nhận định của các công ty trong tuần này kênh đầu tư này có nhiều cơ hội phục hồi.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC, nhìn chung, phiên giao dịch cuối tuần được xem là khá tích cực của thị trường khi hầu hết các mã cổ phiếu đang dần hồi phục. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường đã quay trở lại và chuyển vào các cổ phiếu vừa và nhỏ cho thấy tâm lý vững vàng của nhà đầu tư.

“BSC tin rằng với lực đỡ từ dòng tiền mới đổ vào, cùng với thời điểm kết thúc sóng điều chỉnh cũng là lúc mở ra những cơ hội mới cho nhà đầu tư khi mà thị trường đang dần hồi phục", Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định.

Còn theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, quan sát diễn biến trong phiên cuối tuần qua có thể thấy, chỉ số Vn-Index duy trì xu hướng tăng ổn định trong suốt thời gian giao dịch và áp lực đảo chiều chỉ thực sự xuất hiện tại thời điểm đóng cửa, bởi tác động của lượng lớn giao dịch khối ngoại. Thanh khoản cũng khôi phục về mức cao với gần 230 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh thành công.

Với diễn biến hiện tại, Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS cho rằng, trong những phiên tới, nhà đầu tư lướt sóng có thể tiếp tục cân nhắc mở vị thế mua tại các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền. Trong khi đó, các nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn hơn có thể nắm giữ các cổ phiếu cơ bản có kỳ vọng tăng trưởng tích cực quý 4 và cả năm 2017.

Còn theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC, hiện tại, tín hiệu ngắn hạn của các chỉ số chủ chốt đều đang ở mức tiêu cực. Tuy vậy, hiệu ứng bắt đáy ETF có thể tạo quán tính giúp các chỉ số này tăng và có cơ hội cải thiện tín hiệu khi kiểm định lại các ngưỡng cản phía trên. “Chúng tôi chưa chắc chắn về sự thành công của nhịp kiểm định này do thị trường còn một số ẩn số ở phía trước", Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC nhận định.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc