(VnMedia) -
Theo TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Việc Việt Nam đề xuất thảo luận Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC ở chương trình nghị sự APEC 2017, và được tất cả các thành viên APEC ủng hộ. Điều này xác nhận tính đúng đắn từ sự lựa chọn của Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ cả tầm nhìn lẫn sự nhạy bén của Việt Nam khi xác định các vấn đề chiến lược đặt ra cho APEC”.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017. Một trong số đó bắt nguồn từ sáng kiến của Bộ Công Thương Việt Nam, đó là Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trong APEC.
Đóng góp tích cực cho liên kết thương mại và kinh tế khu vực
Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới như một thành quả của năm APEC 2017, cũng như sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook...) tại Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách cũng như kinh doanh trong bài toán hội nhập hiện nay.
TMĐT xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. TMĐT xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.
Nhằm phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới, đóng góp tích cực cho liên kết thương mại và kinh tế khu vực, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng sáng kiến về Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017.
Khung Thuận lợi hóa này tập trung vào 5 trụ cột làm việc như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực;
Thứ hai, tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới;
Thứ ba, thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC.
Thứ tư, thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực.
Thứ năm, giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong TMĐT xuyên biên giới.
Theo TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Việc Việt Nam đề xuất thảo luận Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC ở chương trình nghị sự APEC 2017, và được tất cả các thành viên APEC ủng hộ. Điều này xác nhận tính đúng đắn từ sự lựa chọn của Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ cả tầm nhìn lẫn sự nhạy bén của Việt Nam khi xác định các vấn đề chiến lược đặt ra cho APEC”.
Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, kinh doanh sáng tạo
Theo Bộ Công Thương, trong suốt những năm qua, Bộ Công Thương đã tập trung, kiên trì xây dựng hành lang pháp lý, ban hành các cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng TMĐT ở Việt Nam. Từ các nghị định, thông tư về TMĐT cho đến các Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT theo từng giai đoạn 5 năm từ năm 2005 cho đến nay đã hình thành nên một hệ thống chính sách xuyên suốt và nhất quán, tạo động lực cho sự phát triển đồng bộ của TMĐT trên quy mô cả nước.
Con số thống kê những năm qua cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25-35%/năm), mức độ phổ cập TMĐT trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực. Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển TMĐT do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ đô la Mỹ và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Thị trường TMĐT được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn 2016-2020 dựa trên nền tảng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và mức độ hiểu biết của người tiêu dùng ngày một hoàn thiện; ước tính giá trị mua hàng đạt mức trung bình 350 đô la Mỹ.
Theo TS. Trần Đình Thiên, để thị trường TMĐ hoạt động có hiệu quả cần phải tư duy lại chính các khái niệm “thương mại điện tử” trong không gian liên kết xuyên biên giới, trong môi trường tự do hóa và trên nền tảng thay đổi sâu sắc về công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ tự động hóa và công nghệ “in” sản phẩm.
Theo Bộ Công Thương, để cạnh tranh trong môi trường năng động và có hàm lượng công nghệ cao này của nền kinh tế số, doanh nghiệp cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, tránh lối mòn của các doanh nghiệp đi trước…
Do vậy, việc chủ động trang bị kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, mạnh dạn áp dụng các mô hình TMĐT mới và chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu trên môi trường trực tuyến là những mục tiêu thiết yếu doanh nghiệp SMEs cần hướng tới để phát huy hơn nữa các lợi ích của TMĐT nói riêng cũng như hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế số nói chung.
APEC 2017 được đánh giá là năm APEC có vai trò then chốt hướng tới kỷ niệm 20 năm gia nhập APEC của Việt Nam. Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC, là một trong những điểm nhấn của năm APEC 2017 và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; trở thành nguồn động lực cho phát triển kinh tế khu vực. |
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc