(VnMedia) –
Theo ông Lê Long - Trưởng ban Kế hoạch - Tổng hợp (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC), trong hai tháng cuối năm, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn nhiều doanh nghiệp lớn. Điển hình như: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang, Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo Mua bán & Sát nhập (M&A) nằm trong chuỗi sự kiện mang tên “Diễn đàn – Giao thương Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc”, do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tổ chức sáng nay (10/11).
Chuỗi sự kiện này được tổ chức nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc và chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, bao gồm các buổi gặp gỡ giao thương doanh nghiệp Việt-Hàn (1:1) trong các lĩnh vực xây dựng, thiết bị, công nghệ, sản xuất linh phụ kiện; Hội thảo Mua bán & Sát nhập (M&A); Hội thảo Hợp tác Kinh tế Việt-Hàn; Bàn thông tin giới thiệu lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các hoạt động trách nhiệm xã hội – CSR của KOTRA tại Việt Nam.
SCIC đang sở hữu hơn 1.000 doanh nghiệp
Chia sẻ tại Hội thảo Mua bán & Sát nhập, ông Lê Long - Trưởng ban Kế hoạch - Tổng hợp (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) cho biết, từ 2006 đến nay, SCIC đã tiếp nhận từ các Bộ, địa phương là hơn 1.027 doanh nghiệp và hiện vẫn đang tiếp tục tiếp nhận.
Trong hơn 1 nghìn doanh nghiệp tiếp nhận có một số doanh nghiệp lớn (Tổng Công ty Nhà nước) như Vinaconex, Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong… Ngoài ra, còn 34 Công ty TNHH 1 thành viên. Sau khi tiếp nhận những công ty này, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn.
Theo ông Long, tính đến nay, sau 11 năm, trong danh mục 1.027 doanh nghiệp SCIC tiếp nhận, đã thoái vốn 975 doanh nghiệp, giá trị thu về 27.473 triệu đồng, giá trị thu được từ giá bán so với giá vốn tiếp nhận được 3,4 lần. Sau khi thoái vốn, hiện tại doanh mục SCIC còn có khoảng hơn 140 doanh nghiệp và sẽ thực hiện thoái vốn toàn bộ trong giai đoạn từ năm 2017 – 2020.
Cũng theo đại diện SCIC, căn cứ vào Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ danh mục thoái vốn trong giai đoạn 2017 – 2020, sẽ có 132 doanh nghiệp thoái vốn trong giai đoạn này. Đối với lộ trình từng năm, SCIC sẽ công bố ngay đến các nhà đầu tư ngay sau khi được phê duyệt.
“Sẽ có một số doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện thoái vốn trong thời gian tới như Tổng công ty dầu Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Minh, Công ty nhựa Tiền Phong…”, thông tin đại diện SCIC cho hay.
Về kế hoạch thoái vốn, dựa theo Quyết định số 1010 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2017, phê duyệt doanh mục thoái vốn cho cả giai đoạn 2017- 2020 và có phân chia theo từng năm, để xác định số nguồn thu bán vốn theo từng năm mà SCIC thu được cho nhà nước. Số lượng thoái vốn 132 doanh nghiệp trong cả giai đoạn.
Tính đến hết tháng 9/2017, đã thoái vốn được hơn 30 doanh nghiệp. Số còn lại sẽ thoái vốn khoảng 100 doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nhiều công ty lớn sẽ thực hiện thoái vốn trong 2 tháng cuối năm
Cũng liên quan đến thông tin thoái vốn Nhà nước, ông Lê Long cho hay, năm 2017, theo kế hoạch sẽ thực hiện thoái vốn 114 /132 doanh nghiệp sẽ thực thoái vốn cả giao đoạn. Hiện tại, đã thoái vốn được 30 và còn khoảng 80 doanh nghiệp, sẽ thoái vốn từ nay đến cuối năm.
Đưa ra nguyên nhân thoái vốn mạnh mẽ doanh nghiệp vào 2 tháng cuối năm, Trưởng ban Kế hoạch – Tổng hợp (SCIC) chia sẻ, do một số lý do khách quan. “Quyết định 1010 của Thủ tướng Chính phủ được ký vào hồi tháng 7/2017. Ngay sau khi quyết định ra đời, việc thoái vốn được SCIC tăng tốc với việc thực hiện định loại, thoái vốn và công bố thông tin, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của năm 2017 (trước thời điểm này mọi công việc thoái vốn đều để lại).
Theo đó, những doanh nghiệp lớn sẽ thoái vốn trong 2 tháng cuối năm là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang, Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh (hai công ty nhựa sẽ thực hiện thoái vốn trong tháng 12 tới), Vinaconex, Công ty tư vấn và đầu tư Việt Nam, Công ty dược Lâm Đồng, Công ty tái bảo hiểm Quốc gia…
Thông tin của đại diện SCIC cho hay, thoái vốn được thực hiện ở hai đối tượng là doanh nghiệp chưa niêm yết và doanh nghiệp đã niêm yết. Về cơ bản đối với các doanh nghiệp này đều thực hiện qua hình thức đấu giá, chỉ khác nhau ở một số nội dung trong quá trình thoái vốn.
Ngoài ra, việc thoái vốn sẽ được SCIC thuê các đơn vị có năng lực để định giá. Đầu năm, SCIC sẽ lựa chọn một danh mục các công ty chứng khoán có đủ năng lực theo bảng xếp hạng của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ký hợp đồng với từng doanh nghiệp để định giá. Đồng thời sau khi có giá, những công ty chứng khoán thực hiện tổ chức chào bán hoặc Sở giao dịch chứng khoán để chào bán.
Liên quan đến câu hỏi về những đánh giá chung sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với vốn thoái tại các doanh nghiệp Nhà nước, ông Lê Long nhìn nhận, hầu hết rất quan tâm nhưng còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường và thời điểm bán.
"Một trong những điều kiện SCIC khi bán vốn ra thị trường phải phân tích, đánh giá xem khả năng hấp thụ của thị trường với từng mã doanh nghiệp và cơ cấu tình hình cổ đông từng đơn vị. Dù chỉ còn 2 tháng để SCIC thoái vốn tại 80 doanh nghiệp nhưng khả năng thành công là khá chắc chắn bởi nguồn cung gồm "hàng" của nhiều doanh nghiệp lớn như Sa Giang, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh, Tập đoàn FPT...”, ông Long nói.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc