Không tách công tơ vẫn hưởng điện giá rẻ: Chỉ cần 1 bước đơn giản

19:54, 27/11/2017
|

Khách hàng dùng điện ở bậc cao nhất phải chịu giá đắt hơn tới 1,74 lần so với khách hàng ở bậc thấp nhất. Tuy nhiên, quy điện hiện hành vẫn cho phép áp dụng một số cách thức để người dân giảm bớt gánh nặng tiền điện “bậc thang” này.

Hiện nay, khách hàng dùng từ 0-50 “số điện” được hưởng mức giá rẻ nhất là 1.484 đồng/số điện. Trong khi đó, khách hàng dùng từ 401 “số điện” trở lên phải chịu mức giá cao gấp gần 2 lần so với giá bán lẻ điện bình quân, lên tới 2.587 đồng/số điện.

Điều này có nghĩa, khách hàng dùng điện ở bậc cao nhất phải chịu giá điện cao hơn tới 1,74 lần so với khách hàng ở bậc thấp nhất.

Biểu giá này áp dụng từ đầu năm 2014 đến nay, với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01đồng/kWh.

Giá điện càng dùng nhiều càng đắt.
Giá điện càng dùng nhiều càng đắt

Tại dự thảo Biểu giá bán lẻ điện đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương vẫn quy định biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chia thành 6 bậc, có mức giá tăng dần, càng dùng nhiều giá càng cao.

Với gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống trong một nhà, quy định hiện hành cho phép tách hộ để một nhà có nhiều công tơ điện. Qua đó, giảm được tiền điện khi tính theo giá điện bậc thang.

Theo đó, người dân có thể đến phòng giao dịch khách hàng gần nhất của điện lực để thực hiện thủ tục lắp đặt thêm công tơ, ngoài các giấy tờ và thủ tục như lắp đặt công tơ thông thường thì người dân cần thêm hồ sơ sau: Bản sao sổ hộ khẩu của hộ tách mới; Bản xác nhận đã thanh toán hết nợ tiền điện của chủ hợp đồng mua bán điện đang dùng chung hoặc bản cam kết của khách hàng có nhu cầu tách mới về việc đã hoặc sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hết nợ tiền điện với chủ hợp đồng mua bán điện đang dùng chung.

Tuy nhiên, để đảm bảo về mặt kỹ thuật và sử dụng điện an toàn, điện lực phải khảo sát hệ thống điện của hộ gia đình và quyết định có lắp được thêm công tơ hay không.

Trong trường hợp người dân chỉ muốn dùng 1 công tơ điện 1 nhà, thì vẫn còn cách khác để giảm tiền điện. Cụ thể, khách hàng đã tách hộ khẩu riêng mà vẫn sinh hoạt chung nhà thì được hưởng thêm 1 định mức sinh hoạt bậc thang mà không cần phải lắp thêm công tơ. Khách hàng đến điện lực khu vực làm thủ tục đăng ký tăng định mức.

Để có thể bổ sung định mức số hộ sử dụng điện, người dân cần chuẩn bị các giấy tờ để chứng minh hiện có 2 hộ đang sử dụng cùng 1 công tơ trên ngôi nhà.

Cụ thể, bản sao của 2 sổ hộ khẩu của hai hộ gia đình (nếu có). Nếu 2 hộ khẩu có 2 địa chỉ thường trú khác nhau thì cần có sự xác nhận của Công an quản lý nhân khẩu về việc thường trú của hộ gia đình tại địa chỉ mới. Trường hợp khách hàng chưa có sổ hộ khẩu, thì cần có đơn đề nghị bổ sung số hộ sử dụng và có xác nhận của chính quyền địa phương, và để thuận lợi cũng như đảm bảo theo quy định của pháp luật khách hàng cần đăng ký tạm trú dài hạn hoặc ngắn hạn.

Ngoài ra, cần có hóa đơn tiền điện kỳ gần nhất.

Sau khi hoàn thiện các giấy tờ nêu trên mang lên bộ phận giao tiếp khách hàng của Điện lực để làm thủ tục.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):

Bây giờ hộ nghèo chăng nữa cũng còn rất ít hộ dùng dưới 50 kWh, đời sống đã khác, có nhiều thiết bị điện hơn,... nên phải tính làm sao đại đa số người dân được hưởng mức giá tương đối hợp lý hơn”.

Trước mắt, có thể cải thiện biểu giá điện sinh hoạt để tiếp cận với thay đổi của đời sống, đảm bảo theo dõi của người tiêu dùng cũng thuận tiện, quản lý của ngành điện đo đếm rõ ràng hơn.

Tôi thì nghiêng về phương án rút gọn từ 6 bậc về 3 hay 4 bậc bởi dễ tính. Theo thống kê, khoảng 65% số hộ dân dùng điện trong khoảng 150 kWh/tháng, nên chúng tôi đề xuất bậc thang đó giá thấp hơn giá trung bình một chút - khoảng 95,5%. Như thế đại đa số dân được hưởng giá điện thấp hơn.

(Theo Vietnamnet)


Ý kiến bạn đọc