FTA Việt Nam - EU có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Việt Nam

16:30, 02/11/2017
|
(VnMedia) -  Theo ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo: "Tham vấn về các tác động của Hiệp định thương mại EU-Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam," do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 2/11.
 
EVFTA sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam
 
Theo thông tin tại Hội thảo, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán năm 2015 và đang trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và thực thi. Với tính toàn diện và được đánh giá là Hiệp định có chất lượng cao, phạm vi cam kết rộng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó đẩy mạnh năng suất và tăng đầu ra trong nhiều ngành sản xuất.
 
Đáng chú ý, so với kịch bản không có FVFTA, kết quả mô phỏng cho thấy phúc lợi thu được đối với Việt Nam là 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và 7,2 tỷ USD vào năm 2030. Xét về thu nhập quốc dân, kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng 2,5% vào năm 2020 và 4,6 vào năm 2030.
 
Đánh giá về những lợi ích EVFTA đem lại, ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư…, EVFTA có tác động quan trọng đến tiến trình xây dựng thể chế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
 
Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo sáng 2/11
Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo sáng 2/11
 
Cũng theo ông Tuyển, với mức cắt giảm thuế theo nguyên tắc 7/10. Nghĩa là, EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tối đa trong vòng 7 năm theo các lộ trình xóa bỏ ngay, xóa bỏ sau 3 năm, sau 5 năm và sau 7 năm. “EVFTA có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh.
 
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia trong nước Dự án EU-Mutrap, Hiệp định EVFTA sẽ giúp thu nhập người lao động tăng lên. Trong đó, lao động nữ sẽ có lợi hơn lao động nam. 
 
Trong cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam về EVFTA do Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ chính sách thương và đầu tư của châu Âu soạn thảo cho thấy, trong hơn một thập kỷ qua, giá trị thương mại hai chiều tăng 10 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,3 tỷ USD vào năm 2015.
 
Con số này đã giúp EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam sang EU. Tính riêng năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 10 tỷ USD.
 
EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc gia thành viên còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
 
Cần kiểm soát và quản lý chặt chẽ theo chuỗi
 
Theo cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ chính sách thương và đầu tư của châu Âu soạn thảo, hiệp đinh EVFTA sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam. Đáng lưu ý, có nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
 
Tuy vậy, câu chuyện mà Việt Nam đang đối mặt chính là hàng rào thương mại, trong đó nổi lên gần đây là mặt hàng thủy sản chính thức bị EU rút "thẻ vàng" được dự báo sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
 
Chia sẻ vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia trong nước Dự án EU-Mutrap, việc EU rút "thẻ vàng" không chỉ đơn giản là chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng hơn tới việc đánh bắt thủy sản của Việt Nam.
 
Cũng theo ông Dương, việc xuất khẩu thủy sản những năm gần đây tiếp tục tăng nhưng điều đáng lo ngại là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước lại không đủ và phải nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm theo chuỗi, tức là phải kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào để đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn khi xuất khẩu.
 
Cuyên gia trong nước Dự án EU-Mutrap cũng khuyến cáo, Liên minh châu Âu là một thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng nhất là An toàn thực phẩm, nếu không tìm hiểu và kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi sẽ khó tận dụng được hết những ưu đãi.
 
Đánh giá về hiệp định EVFTA, ông David Vanzentti - Đại học Quốc gia Australia cũng chia sẻ, tham gia EVFTA Việt Nam có cơ hội ở các thị trường mới đối với dệt may, da giày, nông nghiệp chế biến, dịch chuyến vốn và lao động.
 
Tuy nhiên, để tận hưởng lợi ích này, ông David Vanzentti cho rằng, Việt Nam cần giám sát quá trình thực thi hiệp định. Cùng với đó, cần giải quyết những vấn đề môi trường bằng chính sách môi trường, không phải chính sách thương mại. Tận dụng lợi thế tiên phong đầu tiên.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc