(VnMedia) - Phát triển công nghệ chính là một giải pháp để bảo đảm toàn cầu hoá bao trùm, giúp tất cả mọi người, từ những tập đoàn lớn, những công ty nhỏ, đến những người dân vùng sâu vùng xa hưởng những lợi ích của phát triển kinh tế toàn cầu.
Ngày 09/11, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 bước vào ngày làm việc thứ hai. Phiên họp đầu tiên của Hội nghị tiếp tục cuộc thảo luận ngày hôm qua về việc làm thế nào để các ngành công nghiệp thích ứng với bối cảnh công nghệ và tự động hoá đang phát triển nhanh.
Ông Ning Tang, Chủ tịch của CreditEase, tin rằng thế hệ lao động tiếp theo sẽ được truyền năng lượng từ công nghệ mới. Sự phát triển của con người không chỉ dừng lại ở đây. Con người sẽ tiếp tục thông minh hơn và sẽ có khả năng sử dụng những công nghệ mới để hoàn thiện công việc của mình.
Trong nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển của công nghệ không chỉ hỗ trợ người lao động lành nghề mà cả lao động phổ thông thực hiện công việc của mình. Đặc biệt, phát triển công nghệ chính là một giải pháp để bảo đảm toàn cầu hoá bao trùm, giúp tất cả mọi người, từ những tập đoàn lớn, những công ty nhỏ, đến những người dân vùng sâu vùng xa hưởng những lợi ích của phát triển kinh tế toàn cầu.
Phiên thảo luận thứ hai xoay quanh các giải pháp tạo sức sống cho nền kinh tế thông qua kết nối toàn cầu, khu vực và trong nước trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh.
Về việc đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Jin Liqun, Chủ tịch của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cho rằng trong thời gian tới cơ sở hạ tầng chưa thể theo kịp xu hướng của thời đại và cần được đầu tư nhiều hơn nữa. Sự phát triển của một nền văn minh phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của đô thị. Mục tiêu sắp tới là xây dựng các đô thị trở thành trung tâm thương mại để con người gặp gỡ và kết nối. Ông Jin cũng nhấn mạnh, trong quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, con người không thể bỏ qua việc bảo vệ môi trường, vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu bởi ‘Con người chỉ có thể chinh phục được tự nhiên bằng cách tôn trọng và thuận theo tự nhiên’.
Các diễn giả cũng trao đổi về việc đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ông Scott Price, Phó Giám Đốc Walmart, lấy ví dụ về việc Walmart xây dựng các chương trình bán hàng trực tuyến, các mạng lưới siêu thị ở nông thôn và vùng sâu vùng xa. Ông bày tỏ thiện chí hợp tác cùng Vietjet Air để tạo điều kiện cho khách hàng Việt Nam được tiếp cận hàng hóa dễ dàng hơn. Ông cũng cho rằng truyền thông có vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong kỷ nguyên số. Truyền thông tốt sẽ giúp mang thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hàng hàng không Vietjet và ông Jin Liqun Chủ tịch AIIB, cũng đồng tình về sự cần thiết tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông để kết nối người dân vùng sâu vùng xa.
Về vấn đề môi trường, các diễn giả nhất trí việc tiêu thụ năng lượng hiện nay chưa được bền vững, có thể làm cạn kiệt nhiều tài nguyên thiên nhiên; cần nỗ lực hơn trong lĩnh vực này, từ việc tái tạo, xử lý chất thải tới sử dụng tiết kiệm nhiên liệu trong sản xuất và tiêu dùng.
Bàn về phát triển bao trùm và vai trò của phụ nữ, ông Jin Liqun cho rằng chính phủ nhiều nền kinh tế đã làm rất tốt việc trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào quá trình kết nối, liên kết. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh cần đặt các mục tiêu cụ thể, ví dụ số lượng phụ nữ là thành viên ban quản trị, là phi công. Bà tin tưởng rằng bình đẳng giới sẽ tiến triển tích cực ở châu Á - Thái Bình Dương, từ đó nhân rộng tinh thần này tới các tổ chức, khu vực khác.
Tại phiên thảo luận về tương lai của tự do hóa thương mai, Tổng thống Peru, ngài Pedro Pablo Kuczynski, bày tỏ lo ngại về triển vọng thương mại. Chứng kiến những xu hướng trên thế giới trong hai năm qua, như vấn đề Brexit, chủ nghĩa dân túy gia tăng, và việc rút khỏi cũng như đàm phán lại các hiệp định thương mại, ông nhận định thương mại quốc tế đang trải qua thời kỳ khủng hoảng. Ông cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi là sự già đi của dân số châu Âu và Mỹ.
Bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hành chính của Hong Kong, chia sẻ những tác động tích cực của toàn cầu hóa đối với Hồng Kông, đã góp phần đưa một nền kinh tế không có tài nguyên khoáng sản trở thành trung tâm thương mại và tài chính của châu Á. Bà khẳng định Hồng Kông sẽ tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại tự do đa phương. Bà cũng chia sẻ quan điểm, chính phủ nên tập trung vào các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục cho người dân để bảo đảm chất lượng cuộc sống. Bà nói, ‘Đầu tư vào con người là đầu tư vào tương lai’.
Các đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ người dân tại các địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Các diễn giả bày tỏ ủng hộ thương mại đa phương bởi tính hiệu quả và đơn giản hóa, hướng tới đích cuối cùng là tự do thương mại.
Phiên họp cũng thảo luận sôi nổi về ‘Kỷ nguyên số’. Ông Jay Collins, Phó Chủ tịch Toàn cầu, Ngân hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Tập đoàn CitiGroup, phát biểu về việc tập trung đổi mới toàn diện công nghệ số. “Chúng ta đang sống trong thế giới có rất nhiều công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ và các thiết bị điện tử mới…, tất cả đều mang lại nhiều cơ hội và cách nhìn khác về thế giới”, ông nói. Ông cũng khẳng định, giáo dục đào tạo về công nghệ số là không thể thiếu.
Đa số các thảo luận nêu bật các lợi ích của kỷ nguyên số, tuy nhiên vấn đề tội phạm xuyên quốc gia và an ninh mạng cũng được đề cập. Ông Keith Williams, Tổng Giám đốc công ty UL, cho rằng cần nghiêm túc đối mặt với thách thức này trong thời đại mới; chính phủ cần có những biện pháp bảo đảm an ninh trong thời đại số, như sở hữu trí tuệ. Một trong những thử thách lớn nhất là thúc đẩy hợp tác giữa các cơ chế pháp lý trên toàn cầu. ‘Đây chính là một vấn đề mấu chốt để biến kỷ nguyên số thành một kỷ nguyên thành công’, ông nói thêm. Một số diễn giả bày tỏ quan ngại rằng thế giới chưa sẵn sàng để đối phó với các hình thức tội phạm công nghệ cao trong kỉ nguyên số.
Ngày làm việc thứ hai của hội nghị kết thúc bằng cuộc thảo luận về ‘Sản xuất trên thế giới’. Ông Diwakar Gupta, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng vai trò của chuỗi giá trị toàn cầu đã được phục hồi từ năm 2016. Ông cũng cảnh báo về những hậu quả khôn lường của việc đánh cắp sở hữu trí tuệ và sản xuất hàng giả, đặc biệt là đối với dược phẩm vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.
Ông Ross McCullough, Chủ tịch của UPS châu Á - Thái Bình Dương, lấy ví dụ về việc sản phẩm hiện nay có thể được sản xuất ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thể hiện sự thay đổi của chuỗi giá trị toàn cầu. "Công nghệ số hóa đã tạo điều kiện cho việc kiểm soát dòng chảy hàng hóa trên toàn thế giới", ông nhận định.
Mặt tích cực của công nghệ số hóa và ứng dụng Big Data vào quá trình sản xuất thể hiện ở ngành dược. Big Data, qua việc thu thập và phân tích thông tin từ internet, ứng dụng điện tử, và hệ thống số, đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và phát triển thuốc, ông Olivier Charmeil, Phó chủ tịch điều hành dược phẩm tổng hợp và thị trường mới nổi, Công ty Sanofi, phát biểu.
Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị đã kết thúc với sáu phiên thảo luận thực chất và hiệu quả. Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, diễn giả cũng như đại biểu tham dự Hội nghị đều đánh giá cao sự đa dạng cũng như chất lượng của các phiên thảo luận, giải quyết và gợi mở nhiều vấn đề thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc