Vì sao Việt Nam nhập siêu mạnh từ Hàn Quốc và Trung Quốc?

11:15, 18/10/2017
|
(VnMedia) – Theo thống kê, nhập siêu 9 tháng đầu năm khoảng 442 triệu USD, chiếm gần 0,3% kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý là, nhập siêu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc có chiều hướng tăng do tác động của lộ trình giảm thuế theo các cam kết thương mại quốc tế.
 
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao, nhập siêu ở mức thấp
 
Tại Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước nhưng tiếp tục tăng mạnh (tăng 23,6%) so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%
 
Về thị trường xuất khẩu, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ; EU; ASEAN; Trung Quốc...
 
Hàng hóa Trung Quốc vẫn đổ mạnh vào thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa
Hàng hóa Trung Quốc vẫn đổ mạnh vào thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1%. 
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thị trường nhập khẩu Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 26,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 15,5%), Hàn Quốc (chiếm 21,9%, tăng 46,6%), tiếp đến là ASEAN, Nhật Bản,...
 
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhập siêu 9 tháng đầu năm khoảng 442 triệu USD, chiếm gần 0,3% kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý là nhập siêu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc có chiều hướng tăng do tác động của lộ trình giảm thuế theo các cam kết thương mại quốc tế (nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 23,4 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 19,7 tỷ USD và ASEAN khoảng 4,6 tỷ USD).
 
Một nguyên nhân nữa cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là, nhập siêu tăng chủ yếu là do nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như nguyên liệu, máy móc, thiết bị, linh kiện. Nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị cho các dự án sản xuất lớn tăng như dự án của Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...
 
Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2016, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
 
Tuy vậy, qua 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đạt được nhiều thành tựa đáng ghi nhận, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước vượt mức kỳ vọng đề ra.
 
Đưa ra kế hoạch nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu hợp lý, mở rộng thị trường trong nước.
 
Cụ thể, đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục phát triển xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới cũng như lợi thế của Việt Nam. Đồng thời, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản.
 
Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng cường chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định FTA, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường xuất khẩu; xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia với các sản phẩm xuất khẩu.
 
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu; giảm nhập khẩu đối với nhóm cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu, như các mặt hàng đá quý, kim loại quý, linh kiện phụ tùng ô tô từ 9 chỗ trở xuống, linh kiện phụ tùng xe máy và hàng hóa khác.
 
Ngoài ra, sẽ có biện pháp hiệu quả kiểm soát nhập khẩu, áp dụng những hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế. Thúc đẩy tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; phát triển sản xuất và phân phối những hàng hóa trong nước có chất lượng tốt, thay thế hàng nhập khẩu. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
 
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước vì các khu vực này còn nhiều dư địa để phát triển.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc