(VnMedia) - Lần đầu tiên các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cùng nhau chia sẻ thông tin về một chủ đề không quá mới nhưng luôn là bài toán nan giải được các chủ shop quan tâm khi muốn tận dụng sức mua trong mùa bán hàng cuối năm - thời điểm vàng trong năm để tăng cao doanh số.
Sáng ngày 28/10, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Bizweb đã phối hợp với DHL eCommerce, Uber, VnPay… tổ chức sự kiện ban hàng mùa cuối năm với chủ đề “Từ ý tưởng tới thực thi 2017”. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cùng nhau chia sẻ thông tin về một chủ đề không quá mới nhưng luôn là bài toán nan giải được các chủ shop quan tâm khi muốn tận dụng sức mua trong mùa bán hàng cuối năm - thời điểm vàng trong năm để tăng cao doanh số.
Tại sự kiện, người tham gia không chỉ nắm bắt được các dữ liệu thực tế về xu hướng, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ở các ngành nghề mà còn được hướng dẫn, chia sẻ các bước xây dựng và triển khai chiến dịch quảng cáo, marketing bán hàng cuối năm cũng như cách đo lường hiệu quả và quy trình quản trị, vận hành đơn hàng, nâng cao trải nghiệm mua hàng cho khách hàng. Những kinh nghiệm từ thành công và thất bại của những người thật, việc thật, những “bài học xương máu” vốn sẽ không tìm thấy được ở bất kỳ trường lớp nào đã được bật mí tại sự kiện.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Đức Anh, đại diện Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho hay, các mặt hàng bán chạy vào dịp cuối năm thường là quần áo, giày dép, đồ công nghệ, điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình… Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2016, các loại hàng hóa dịch vụ thường được mua sắm qua mạng gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm (56%), đồ công nghệ và điện tử (55%), thiết bị đồ dùng gia đình (48%), vé máy bay, tàu hỏa, ô tô (45%), thực phẩm 26%… Hàng hóa được kinh doanh qua các kênh mua sắm trực tuyến gồm website thương mại điện tử bán hàng, sàn giao dịch, website mua hàng theo nhóm, diễn đàn, mạng xã hội, ứng dụng mua hàng trên di động…
Khảo sát cũng cho thấy, những vấn đề người mua hàng quan tâm hàng đầu khi mua sắm trực tuyến là chất lượng của dịch vụ, hàng hóa chiếm 81% giá cả 79%; uy tín của người bán 69%; vận chuyển hàng hóa 56%, chính sách bảo mật thông tin khách hàng 38%... Dễ dàng nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia thị trường thương mại điện tử, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng lớn. Theo đại diện đến từ Bộ Công Thương, để thị trường phát triển, thực tế đòi hỏi người kinh doanh và khách hàng tham gia thương mại điện tử cần nâng cao chất lượng bán hàng, uy tín.
Phạm Lê
Ý kiến bạn đọc