(VnMedia) -
Theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, mục tiêu phát triển cụ thể của ngành logistics đến năm 2025 theo Quyết định của Chính phủ là tăng trưởng 15 - 20%, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ 8 - 10%. Tuy nhiên, nhân lực ngành này hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, khi thiếu cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sáng nay (12/10), Cục Xuất khẩu - Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức Hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực logistics”.
Ngành logistics khan hiếm nhân sự chất lượng cao
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho hay, cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics. Trong đó, 70% có trụ sở tại Tp.HCM. 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực. 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Quyết định 200/QĐ/Thủ tướng, một số mục tiêu phát triển cụ thể của ngành logistics đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng 15-20%, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ 8-10%; tỷ lệ thuê ngoài 50-60%; chi phí logistics tương đương 16-20%; xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia từ 50 trở lên.
Mặc dù mục tiêu đặt ra khá rõ ràng, nhưng theo ông Tương, hiện ngành logistics Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề về nhân lực.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tương cho hay, nhân lực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành dịch vụ logistics, thiếu cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người. Nhân lực ngành logistics thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. 30% các doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhân lực đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics.
“Khảo sát của 108 doanh nghiệp của hiệp hội trong tháng 9/2017, có đến gần 50% công ty có nhu cầu tuyển thêm từ 15 - 20% nhân viên trong thời gian tới”, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam dẫn chứng.
Đào tạo nhân lực logistics gặp nhiều bất cập
Theo thông tin tại Hội thảo, hiện Việt Nam có 3 hình thức đào tạo logistics gồm tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, tại các Hiệp hội, và tại chính các doanh nghiệp.
Theo khảo sát sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics. Lực lượng giảng viên hiện nay còn thiếu và mỏng, chủ yếu chuyển từ các chuyên ngành khác sang, kiến thức thực tế còn chưa nhiều.
Đưa ra về những nguyên nhân khiến nhân lực ngành logistics Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng, bà Trịnh Thị Thu Hương, Trường Đại học Ngoại Thương, cho rằng, đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học gặp nhiều bất cập. Điển hình như, chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên chưa nhiều, phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ…
Theo bà Hương, Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện, phát triển các chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics, đưa ra chính sách hỗ trợ hoạt động cho LSP. Cơ quan chuyên trách cần làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp, xác định chính xác nhu cầu lao động trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo hợp lý, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, chi phí tốn kém nhưng lại gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
“Chính phủ cũng cần trao đổi và mở rộng cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế cho các cơ sở đào tạo đại học, tạo môi tường thuận lợi cho việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đem cơ hội học bổng cho sinh viên, cán bộ trong nước”, bà Hương kiến nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Hà - Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, ngành logistics được Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với vai trò là ngành được ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, hiện ngành này chưa được đào tạo chính thống tại Đại học Giao thông Vận tải, chưa được cấp mã ngành cấp 4 chính thức.
Bà Hà cho rằng, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt khan hiếm, giáo trình tiếng Anh khó tiếp cận. Không có mô phỏng về doanh nghiệp logistics, các phần mềm mô phỏng tối ưu toàn chuỗi không được đưa vào dạy.
Trước những vấn đề trên, đại diện Trường Đại học Giao thông Vận tải kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho trường được cấp mã ngành cấp 4 về đào tạo logistics. Cùng với đó, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan hỗ trợ trường trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, tạo điều kiện tham gia vào các đề án phát triển nhân lực và vật lực, để nâng cao chất lượng đào tạo.
“Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với trường nhiều hơn về địa điểm thực tập cho sinh viên, giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo, hướng dẫn các đề tài liên quan đến thực tế tại doanh nghiệp”, bà Hà đề xuất.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc