Đâu là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ?

07:56, 29/10/2017
|
(VnMedia) - Với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thì lợi nhuận một năm chỉ 2 - 4%, trong khi đó theo khảo sát của VCCI chi phí không chính thức của doanh nghiệp lên tới 6-8%. Như vậy, đây là khó khăn cực lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là cải cách hành chính
 
Chia sẻ về nhưng vấn đến liên quan đến kinh tế tư nhân tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017, ông Phạm Đình Đoàn - Phó chủ tịch Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Ủy viên ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đó là vai trò của nhà nước trong việc định hướng các chính sách vĩ mô tạo điều kiện hướng đi cho doanh nghiệp tư nhân.
 
Theo ông Đoàn, hiện nay việc kêu gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất quan trọng, để huy động thêm các nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng đối với từng đối tượng doanh nghiệp FDI, tránh tình trạng có sự ưu ái giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước.
 
“Chúng ta nói nhiều tới việc nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…, đó là bởi vì người tiêu dùng thích hàng gì thì tức khắc hàng đó du nhập vào Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp Việt cần phải quan tâm tới chất lượng, nghiêm túc đầu tư cho sản phẩm mới cạnh tranh được trên thị trường”, Phó chủ tịch Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ.
 
Thiếu vốn là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa
Thiếu vốn là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa
Một vấn đề nữa cũng được Phó chủ tịch Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đưa ra, đó là cải cách hành chính. Theo ông Đoàn, với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thì lợi nhuận một năm chỉ 2 - 4%, trong khi đó theo khảo sát của VCCI chi phí không chính thức của doanh nghiệp lên tới 6 - 8%. Như vậy, đây là khó khăn cực lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Ông Vũ Đình Ánh – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thiếu vốn là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân. Đây cũng là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển và chuyển đổi.
 
Theo vị chuyên gia này, do qui mô vốn nhỏ và khả năng tự tài trợ bị hạn chế, bởi hình thức tổ chức doanh nghiệp và thị trường tài chính phi ngân hàng kém phát triển nên khu vực kinh tế tư nhân trông cậy rất nhiều vào việc vay ngân hàng để bù đắp sự thiếu hụt vốn kinh doanh.
 
Theo số liệu chính thức, tỷ trọng tín dụng cho kinh tế tư nhân hiện nay trong tổng tín dụng ngân hàng còn thấp, cách xa so với nhu cầu của khu vực này cũng như không tương xứng với vai trò và vị thế của nó trong nền kinh tế.
 
Ông Ánh cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân phải dựa vào vốn từ bên trong mà ít có khả năng tiếp cận với nguồn vốn từ bên ngoài, cụ thể là với nguồn vốn tín dụng ngân hàng thương mại chính là niềm tin.
 
Doanh nghiệp chưa đầu tư bài bản
 
Trả lời câu hỏi về việc những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân có phải do họ chưa thật sự đầu tư bài bản hay vướng mắc chính sách? ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, với môi trường kinh doanh Việt Nam các doanh nghiệp vừa chủ quan vừa khách quan. Hiện tại sự vào cuộc của chính quyền vẫn mang tính chất “chữa cháy” chứ chưa phải "phòng cháy".
 
Cũng theo ông Đoàn, hiện văn bản của ta định hướng đúng nhưng quan trọng nhất là con người thực thi chính sách thì chưa được chuẩn, hoặc chưa có năng lực hoặc có tiêu cực.
 
Liên quan đến câu hỏi tại sao doanh nghiệp không đầu từ bài bản, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nhà nước có nhiều biện pháp can thiệp quá sâu và thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường. “Cách can thiệp này làm sai lệch thị trường, khiến doanh nghiệp không biết tự nghiên cứu để tự chủ tự nghiên cứu thị trường để tự quyết định nên đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào”, ông Hiếu phân tích.
 
Ở góc độ khác, ông Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng là khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Nhiều khi doanh nghiệp không thích ứng được hoặc khó thích ứng thì họ khó có thể đầu tư bài bản. Chẳng hạn như khi nói về người giỏi, có thể họ giỏi nhưng không chắc đã thích ứng được?
 
Trong khi đó, đưa ra nhóm giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, bà Hoàng Thị Tư - Chuyên viên cao cấp, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Trong đó, phát triển mạnh mẽ, thông suốt, đồng bộ các thị trường, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hoá, dịch vụ trên cả nước, đặc biệt là thị trường tư liệu sản xuất; đồng thời có biện pháp bảo vệ có hiệu quả thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế phù hợp với các cam kết quốc tế.
 
Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
 
Ngoài ra, phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hoá công nghệ. Kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư…
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc