(VnMedia) -
Áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%)… là những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng ngân hàng tháng 8 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Bằng chứng, ước tính đến hết tháng 8 vừa qua, tín dụng tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%).
Huy động vốn 8 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá, ước tăng 9,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,4%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 8,7% so với cuối năm 2016. Đặc biệt, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tiếp tục tăng.
Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tiền gửi của kho bạc Nhà nước là khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.
Cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện tình hình lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng khả quan. Lợi nhuận sau thuế tính đến hết tháng 7/2017 đạt 41 nghìn tỷ đồng, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh do tín dụng tăng trưởng cao, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,9% (cùng kỳ năm 2016 là 2,7%).
Tháng 8/2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn khá dồi dào, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với cuối tháng 7/2017, từ 0,2% đến 0,3%. Trên thị trường mở, từ 1 – 22/8, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 4.494 tỷ đồng và lũy kế từ đầu năm đến nay hút ròng 32.632 tỷ đồng.
Về lãi suất, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho hay, trên thị trường 1, lãi suất tương đối ổn định so với tháng trước. Tính đến 21/8 vừa qua, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,68%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12 – 36 tháng ở mức 7,04%, tương đương với mức lãi suất huy động trong tháng 7.
Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có ngân hàng thương mại ở mức 6%; đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biến ở mức 9,3 – 11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chinh Quốc gia, những tháng cuối năm 2017, vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%). Cùng với đó, áp lực từ phía phát hành trái phiếu Chính phủ không còn nhiều (chỉ còn khoảng 20% kế hoạch). Cuối cùng là, yếu tố hỗ trợ từ phía nhà điều hành về xử lý nợ xấu sẽ đóng góp tích cực hơn trong việc giảm lãi suất.
Tỷ giá các ngân hàng ổn định
Liên quan đến thị trường ngoại hối, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng chỉ ra rằng, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm, trong khi tỷ giá trung tâm lại được điều chỉnh.
Tính đến ngày 22/8 vừa qua, tỷ giá trung bình ở mức 22.448 đồng, tăng 1,3% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm 0,18%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,56% so với đầu năm.
Về thị trường cổ phiếu, trong tháng 8 điều chỉnh giảm do thiếu vắng thông tin hỗ trợ, sau khi các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của thị trường vẫn tích cực do kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin nhà đầu tư ở mức cao. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tháng 8/2017 tương đương 57,4% GDP.
Trong 8 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước huy động được 143.893 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ, hoàn thành 78,5% kế hoạch năm 2017. Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm 2017 là 27%. Lãi suất đặt thầu thấp nhất các kỳ hạn tăng từ 0,10%/năm đến 0,4%/năm so với tháng trước.
Cũng trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 115 triệu USD, trong đó mua ròng 107 triệu USD cổ phiếu và mua ròng 8 triệu USD trái phiếu.
Lũy kế từ đầu năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tháng thứ 8 liên tục với tổng giá trị đạt 1 tỷ 315 triệu USD (trong đó, 669 triệu USD trái phiếu, 646 triệu USD cổ phiếu).
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 29,4% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,5% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc