Tiêu điểm thị trường tài chính Việt Nam
Bộ tài chính sẽ đề xuất họp bàn thêm về các chính sách để đẩy mạnh tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam đạt được mức tăng 6,7% theo như lời Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ mới đây lại trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua. Để thực hiện được mục tiêu đó trước mắt chính phủ sẽ phải tăng cung tiền trong 4 tháng cuối năm lên 20-21%.
Bộ tài chính cho rằng Việt Nam có khả năng cán đích GDP 6,7% nếu tiếp tục phát huy tốt nội lực, duy trì sức tăng trưởng bền vững cũng như tạo bước đột phá cho kinh tế.
Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% thì những tháng cuối năm sắp tới phải tăng 7,4%.
Đặc biệt, trong giai đoạn tới ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để phát triển từ nay đến cuối năm, một số dự án thép lớn sẽ đi vào hoạt động tương lai sắp tới. Một số ngành như dược phẩm, sản xuất vẫn còn dư địa trong những tháng cuối năm. Ngành xây dựng dự kiến tăng trưởng trên 10% cũng sẽ có đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của thị trường.
Các giải pháp hiện nay đang được đề cập tới là: Thủ tướng đang tiếp tục công cuộc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả hơn, tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22% cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, đi đầu phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu.
Mỹ: Báo cáo tăng trưởng khu vực dịch vụ
Tại Hoa Kỳ, báo cáo về tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ là tâm điểm nổi bật của tuần. Con số chính thức sẽ được công bố vào thứ tư. Chỉ số này dự kiến tăng lên 55,3 điểm, một con số cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt. Dữ liệu này càng có ý nghĩa quan trọng hơn sau khi chỉ số sản xuất ISM được công bố vào tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2011. Về dài hạn các chuyên gia vẫn cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt và các chỉ số chứng khoán cũng sẽ sớm phản ánh điều này bằng các mốc cao hơn trong thời gian tới.
Châu Âu: Họp báo của ECB
Thị trường tài chính toàn cầu sẽ tập trung vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào thứ năm tuần này để tìm ra những dấu hiệu về việc ECB sẽ có kế hoạch thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ của mình như thế nào.
Hầu hết những thông tin quan trọng sẽ được đưa ra trong cuộc họp báo của chủ tịch Mario Draghi 45 phút sau khi thông tin được công bố. Giới đầu tư đang tỏ ra rất quan tâm tới định hướng sắp tới của ECB khi chính sách nới lỏng tiền tệ đã được thực hiện trong một thời gian khá dài. Trong suốt thời kỳ nới lỏng tiền tệ, chứng khoán châu Âu đã có sự hồi phục ấn tượng. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ khác nếu như ECB có động thái thay đổi chính sách và cắt giảm gói kích cầu.
Anh: Báo cáo hoạt động xây dựng và dịch vụ
Tại Anh, giới đầu tư sẽ tập trung vào các cặp báo cáo về hoạt động xây dựng và dịch vụ. Các chỉ báo này sẽ cho các dấu hiệu tiếp theo về tác động của Brexit đối với nền kinh tế Anh. Nếu các chỉ báo thể hiện tốt, điều đó sẽ tạo thuận lợi cho nhóm cổ phiếu 2 ngành này trong thời gian sắp tới
Trung Quốc: Dữ liệu về thương mại và lạm phát tháng 8
Trung Quốc sẽ công bố số liệu về thương mại và lạm phát hàng tháng vào ngày thứ sáu. Đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn rất mạnh. Các số liệu kinh tế Trung Quốc gần đây cho thấy xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước vẫn rất khả quan. Có lẽ giới đầu tư nước này đang khá kì vọng “lạc quan” vào thị trường CK nước này tới đây.
(Theo Trí Thức trẻ)
Ý kiến bạn đọc