(VnMedia) –
Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản. Trong khi đó, xuất khẩu gạo cũng tăng mạnh nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh.
Hoa quả Việt Nam thâm nhập nhiều thị trường khó tính
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 135,6 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Như vậy, nhập siêu 8 tháng đầu năm khoảng 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu.
Về xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng đã tạo đột phá khi thâm nhập được vào những thị trường khó tính.
Trong đó có thể kể đến mặt hàng rau quả. Theo đó, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ.
Đưa ra nguyên nhân xuất khẩu nhóm hàng rau quả đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, công tác phát triển, mở cửa thị trường trong thời gian đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này.
Bằng chứng, đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài),…
Cùng với nhóm hàng trên, mặt hàng gạo cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá tốt trong thời gian vừa qua. Cụ thể, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm ước đạt 4 triệu tấn, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 1,78 tỷ USD, tăng 20,3%.
Thông tin Bộ Công Thương cho hay, xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại và cả sự tăng trưởng ở các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Tại thị trường Malaysia, đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150 nghìn tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng là 250 nghìn tấn; tại thị trường Philippines, 4 thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175 nghìn tấn gạo.
Nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư tăng
Đưa ra đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá và đây cũng là điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu.
Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 37,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng trưởng tích cực so sánh với mức tăng khoảng 4,3% trong 8 tháng đầu năm 2016.
Theo Bộ Công Thương, yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của xuất khẩu khối này là tăng trưởng của nhóm hàng nông sản, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu nhóm này ước đạt 16,9 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ. (8 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 5,9%).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng cao nhưng tập trung vào các mặt hàng cần nhập khẩu, là đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 135,6 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng cần nhập khẩu như máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và giải ngân các dự án đầu tư.
Đáng chú ý, nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư tăng. Giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng so với cùng kỳ, kéo theo kim ngạch nhập khẩu tăng cao như giá xăng dầu tăng 26,7%, giá than đá tăng 51%, giá sắt thép tăng 38,6%,...
Dự báo, tăng trưởng nhập khẩu cả năm 2017 sẽ ở mức thấp hơn so với mức tăng trưởng của 8 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án đầu tư đã giải ngân xong cũng sẽ làm giảm đà nhập khẩu mặt hàng máy móc thiết bị trong những tháng cuối năm.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc