(VnMedia) -
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 dự kiến sẽ đạt 6,3, thấp hơn dự báo hồi đầu năm là 6,5%. Lạm phát được dự báo tăng chút ít và thặng dư cán cân vãng lai cũng sẽ giảm nhanh hơn dự báo trước đây.
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 dự kiến sẽ đạt 6,3
Tại Họp báo Cập nhập tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, tăng trưởng GDP có khả năng vẫn duy trì được khá tốt trong sáu tháng cuối năm 2017, mặc dù hoạt động của ngành khai thác khoáng sản tiếp tục giảm sút sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng.
Báo cáo Cập nhật này, giảm dự báo kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017, và 6,5% trong năm 2018, giảm 0,2% so với dự báo trước đây trong Báo cáo ADB 2017.
Cũng theo Báo cáo này, sản lượng khai thác khoáng sản được dự báo sẽ khôi phục nhẹ, sau khi tốc độ sụt giảm sản lượng khoáng sản và dầu thô xuống mức thấp nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Các chỉ số kinh tế khác cũng được dự báo sẽ mạnh lên trong năm sau.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng tiếp tục đi theo xu hướng gia tăng. Các đơn hàng mới đã tăng liên tục từ tháng 12/2015 cho thấy điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đã cải thiện. Đơn hàng tồn đọng tăng lên vào tháng 7, với tốc độ cao nhất trong 6 năm trở lại đây, trong khi lượng hàng tồn kho thành phẩm giảm xuống, cho thấy các doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng trong những tháng tới.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào mạnh mẽ sẽ tạo thêm xung lực cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng và tình hình tín dụng thuận lợi hơn trong thời gian gần đây.
Lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng đã xuất hiện trong những tháng gần đây, được tiếp nhiệt bởi động thái giảm lãi suất, cầu trong nước mạnh và tăng trưởng GDP tốt. Kế hoạch tăng giá và phí dịch vụ giáo dục và y tế sẽ gia tăng áp lực lạm phát, bên cạnh thông báo mới đây về việc tăng lương tối thiểu 6,5% sẽ có hiệu lực vào năm 2018, sau khi đã tăng 7,0% trong năm 2017.
Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo chúng tôi đưa ra vào tháng 4.
“Thành tích xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tiếp tục khả quan, nhờ sự hỗ trợ từ các nhà máy sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mới và giá hàng hoá cải thiện. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy triển vọng xuất khẩu. Đồng thời, do nền kinh tế phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào trung gian để sản xuất nên kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục ở mức cao”, Báo cáo của ADB chỉ rõ.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tăng
Cũng theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam tăng 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2017, nhỉnh hơn một chút so với sáu tháng đầu năm 2016. Mặc dù nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn, song tăng trưởng ngành xây dựng lại giảm nhẹ, và ngành khai khoáng sụt giảm.
Kim ngạch xuất khẩu ròng hàng hoá và dịch vụ tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kết quả xuất khẩu khá mạnh, do cầu tốt từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Châu Âu và Mỹ. Xuất khẩu hàng hoá tăng 19% trong 6 tháng đầu năm, nhờ mức tăng ấn tượng trong xuất khẩu hàng hoá chế tác, như điện tử, điện thoại di động, dệt may và giày dép.
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng còn nhanh hơn xuất khẩu, làm cho con số xuất khẩu ròng bị sụt giảm trong nửa đầu năm. Nhập khẩu tăng mạnh để cung cấp đầu vào cho việc mở rộng các hoạt động sản xuất hàng hoá trong nước cần nhiều đầu vào nhập khẩu, như điện tử, viễn thông và hàng gia dụng.
Về tình hình tài chính của Chính phủ, thâm hụt ngân sách đã giảm trong sáu tháng đầu năm xuống còn 0,9% GDP, thấp hơn so với 3,0% trong nửa đầu năm 2016. Thu ngân sách cải thiện mạnh và chi tiêu chính phủ tăng ở mức độ khiêm tốn hơn giúp thu hẹp bội chi ngân sách.
Theo ADB, dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tăng và thị trường tài chính trong nước mạnh lên đã tiếp sức cho thị trường chứng khoán. Tiếp nối xu hướng mạnh lên trong 3 năm vừa qua, chỉ số giá cổ phiếu Việt Nam tăng 17% trong thời gian tính từ đầu năm đến tháng 7/2017. Tính đến cuối tháng 7, vốn hoá trên thị trường chứng khoán đạt tương đương 56,4% GDP, tăng lên so với 42,0% vào thời điểm cuối năm 2016.
Cũng theo ADB, cải cách cơ cấu tiếp tục có tiến triển, tuy rằng với tốc độ chậm hơn. Trong số 45 doanh nghiệp nhà nước nằm trong kế hoạch cổ phần hoá trong năm 2017, tính đến cuối tháng 8 mới chỉ 22 doanh nghiệp bắt đầu bán cổ phần ra và chỉ có 6 doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu cho cả năm.
Tuy vậy, nguồn thu từ việc bán cổ phần các doanh nghiệp này nhìn chung vẫn đạt kế hoạch, cho phép chính phủ thu được 510 triệu USD trong sáu tháng đầu năm từ việc thoái vốn, tương đương 0,5% GDP. Chỉ tiêu cho cả năm 2017 là 1,0% GDP.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc