Trong nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang là nước chót bảng về doanh thu bán lẻ trực tuyến và tỷ trọng trong tổng doanh thu bán lẻ.
Theo hãng tin Bloomberg, mua sắm trực tuyến đã tăng trưởng bùng nổ ở Thái Lan trong những năm gần đây, khi người tiêu dùng ở nước này ngày càng sành công nghệ. Điều này được xem là báo hiệu cho sự cất cánh của thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á nói chung.
Doanh thu bán lẻ trực tuyến mọi mặt hàng ở Thái Lan, từ máy giặt cho tới TV và nước mắm đang tăng trưởng với tốc độ hơn 100% mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng doanh thu khoảng 10% của bán lẻ truyền thống.
Tốc độ tăng trưởng như vậy có được là nhờ sự kết hợp giữa tốc độ kết nối nhanh, mạnh ở Thái Lan và sự thành công của những công ty bán lẻ trực tuyến như Lazada. Công ty mạng di động lớn thứ ba của Thái Lan là Total Access Communication ước tính rằng bình quân mỗi người Thái Lan dành 6 giờ mỗi ngày cho các trang mạng xã hội như Facebook và Youtube.
Theo ngân hàng Maybank Kim Eng, Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á tách riêng số liệu về bán lẻ trực tuyến khỏi doanh thu bán lẻ nói chung. Dữ liệu này là một cẩm nang hữu ích về sự tăng trưởng của thương mại điện tử trong khu vực.
Một báo cáo mới đây của Maybank nói rằng dù tăng trưởng mạnh, thương mại điện tử ở Đông Nam Á mới chỉ chiếm dưới 4% tổng doanh thu bán lẻ.
Ở những thị trường lớn hơn như Trung Quốc và Hàn Quốc, tỷ trọng của bán lẻ trực tuyến đạt tương ứng 16% và 18%. Điều này chứng tỏ tiềm năng lớn cho khu vực Đông Nam Á, nơi doanh thu từ mua sắm trực tuyến có thể đạt mức 5-10% tổng doanh thu bán lẻ trong vòng 5 năm tới, theo Maybank.
Dữ liệu ước tính mà ngân hàng này đưa ra cho thấy tại thị trường mua sắm trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á về doanh thu hiện nay là Indonesia, doanh thu mới chỉ đạt khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,6% tổng doanh thu bán lẻ. Tại Việt Nam, các con số tương ứng là 0,4 tỷ USD và 0,6%.
Mới đây, tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã trở thành thành viên một ủy ban của Indonesia về thúc đẩy thương mại điện tử ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Macquarie Research dự báo bán lẻ trực tuyến ở Indonesia có thể đạt mức 65 tỷ USD vào năm 2020.
Maybank nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và tình trạng thiếu vắng số liệu chính thức về lĩnh vực này đồng nghĩa với việc tiềm năng của thị trường Đông Nam Á có thể bị đánh giá không đầy đủ so với thực tế. Bởi vậy, theo Maybank, việc theo dõi các xu hướng tiêu dùng sẽ hữu ích hơn việc chỉ nhìn vào các con số bán lẻ chính thức.
Theo VnEconomy
Ý kiến bạn đọc