Dự kiến Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu giảm giá chung đối với toàn bộ phương tiện và miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm, kèm theo là phương án kéo dài thời gian thu phí.
“Ngay ngày mai (16/8), Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cùng nhà đầu tư sẽ họp với chính quyền địa phương họp xử lý những vướng mắc tại trạm này”, đại diện vụ PPP cho hay.
Theo đại diện vụ PPP, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến lên phương án kéo dài thời gian thu phí trạm Cai Lậy từ 6 năm 5 tháng hiện nay lên khoảng 15 năm. Từ đó, giá phí của trạm này hiện nay sẽ giảm được gần 30%.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ tính toán phương án miễn giảm phí cho các hộ dân xung quanh trạm Cai Lậy.
Đề cập đến những phản ánh về phí qua trạm quá cao, đại diện Vụ PPP cho hay, việc xây dựng mức giá thấp nhất qua trạm là 35.000 đồng/lượt là nhằm thống nhất với mức phí của toàn bộ các trạm trên Quốc lộ 1 hiện nay. Với mức phí hiện nay, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án sẽ ngắn lại.
Về thủ tục pháp lý khi xây dựng tuyến tránh Cái Lậy, đại diện Ban PPP khẳng định, dự án trên tuân thủ đúng các trình tự pháp luật hiện hành và cũng giống như nhiều dự án được đầu tư theo hình thức BOT khác.
Cụ thể, dự án tuyến tránh Cái Lậy nằm trong quy hoạch xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của địa phương trong việc đầu tư dự án này theo hình thức BOT.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư và đã xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã được các bộ này đồng ý.
Về việc thiết lập trạm đã được xin ý kiến của các bên liên quan, trong đó có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang.
Đặc biệt là Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản cho đặt Trạm thu phí Cai Lậy như vị trí hiện nay.
Được biết, dự án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 có chiều dài 38,4 km; trong đó, đoạn tránh thị xã Cai Lậy dài 12km, đoạn tuyến tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,4 km với mức thu phí với loại xe cơ sở (xe chở người dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) đến 35.000 đồng/lượt.
Nhiều chuyên gia nhận định, phương án dự định được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là giảm phí chung cho người dân, doanh nghiệp đi qua trạm và miễn giảm cho người dân xung quanh trạm có thể được coi là giải pháp khả thi để “hạ nhiệt” cho Trạm thu phí Cai Lậy.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến ngày 31/7/2017, Bộ đã xử lý bất cập về phí BOT của 4 dự án với 5 trạm thu phí. Cụ thể như dự án xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh Tp. Hà Tĩnh, Trạm Cầu Rác; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc