(VnMedia) –
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện lòng tin của người tiêu dùng vào thị trường và kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt, nhưng lòng tin vào mua sắm trực tuyến vẫn thấp. Đây cũng là điểm 'nghẽn' nhất để phát triển thị trường trực tuyến trong nước.
Người tiêu dùng Việt luôn lạc quan, nhưng thận trọng mua hàng trực tuyến
Trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng phát triển như ‘vũ bão’ trên kênh tiếp thị trực tuyến. Nhờ làn sóng này mà các hoạt động mua bán trên Facebook cũng nhanh chóng lan tỏa.
Tuy nhiên, trên thực tế các kênh mua bán online vẫn gặp những rào cản khi nhiều người không thực sự tin tưởng vào kênh mua sắm này. Trong khi đó, lòng tin của người tiêu dùng vào thị trường và kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt.
Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng mới được công bố bởi Nielsen, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2 vừa qua. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan, đạt 117 điểm (tăng 5 điểm so với quý 4/2016) - mức điểm cao nhất trong 5 năm qua.
Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Quản Lý cấp cao Nielsen Việt Nam cho biết, niềm tin người tiêu dùng sẽ bị biến động bởi ảnh hưởng nền kinh tế đất nước.
Bà Thủy dẫn chứng, trong năm 2014, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã tụt xuống dưới con số 100 (97 điểm), nghĩa là người tiêu dùng đang thiếu lạc quan do bị tác động bởi một vài yếu tố của nền kinh tế. Đến năm 2017, chỉ số niềm tin nhanh chóng được lấy lại và giữ ở mức cao.
“Nhìn chung từ xưa đến nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn thuộc típ lạc quan, nhưng việc chúng ta có duy trì được sự lạc quan này không lại tùy thuộc rất nhiều vào biến động kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt tại Việt Nam”, đại diện Nielsen Việt Nam chia sẻ.
Liên quan đến niềm tin trên thị trường tiếp thị trực tuyến, đại diện Nielsen Việt Nam cũng chia sẻ, lượng người tiêu dùng tham gia vào kênh tiếp thị trực tuyến có thể tăng gấp đôi vào năm 2025, điều này cho thấy đây là một thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để tạo niềm tin trong bán hàng trực tuyến.
Nghiên cứu điều tra vừa được Nielsen đã chỉ ra rằng, hiện mọi người vẫn sử dụng đa kênh, bởi người tiêu dùng thường truy cập trên các kênh trực tuyến để tìm kiếm thông tin, nhưng trên thực tế họ vẫn tìm đến các cửa hàng mua sắm.
Đại diện Nielsen Việt Nam cho rằng, do người tiêu dùng đang thiếu niềm tin vào dịch vụ, cũng như sự hỗ trợ từ phía các đơn vị cung cấp trực tuyến.
Theo lý giải của bà Thủy, hiện nay, việc mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng vẫn được lòng người tiêu dùng nhất, bởi công tác bảo hành sau bán hàng luôn là mối quan tâm và chiến lược kinh doanh lâu dài của nhiều doanh nghiệp. Còn đối với mua bán trực tuyến, các đơn vị vẫn chưa thực sự chú trọng làm dịch vụ khách hàng, điều này dẫn đến tình trạng khi hàng hóa gặp sự cố, người mua hàng không biết mình sẽ tìm đến ai và sẽ được giải quyết như thế nào?
Mọi kênh quảng cáo đều tốt nếu chúng ta biết vận dụng quy luật thị trường
Trước sự bao phủ mạnh mẽ của các thuê bao Internet, bán hàng trên các kênh mạng xã hội đang được nhiều đơn vị thực hiện. Không những thế, hình thức tiếp thị liên kết (hình thức quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của nhà cung cấp thông qua các trang mạng của các đối tác quảng bá hàng hóa, dịch vụ đến người dùng cuối cùng), cũng nhanh chóng lan tỏa.
Nhận định về hình thức bán hàng này, các chuyên gia rằng, quảng cáo liên kết trên thế giới đã và đang rất phát triển, bởi qua liên kết lượng người mua hàng tăng lên đáng kể, điển hình như Amazon… Mặc dù vậy, tại Việt Nam, tiếp thị liên kết lại còn còn khá mới mẻ.
Chia sẻ về các kênh tiếp thị trực tuyến hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, tất cả các kênh quảng cáo, bán hàng (như Facebook, google…) đều tốt, vấn đề mấu chốt quyết định thành công là con người.
Theo ông Hưng, kinh doanh nói chung phụ thuộc vào chủ động của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng phụ thuộc vào ‘thiên thời’. Vì vậy, trên thương trường, người nào vận dụng tốt quy luật thị trường thì thành công, ai không bắt nhịp được có thể kém thành công hơn hoặc thất bại.
Cũng theo nhận định của đại diện VECOM, thời điểm hiện tại có thể là gọi là “thiên thời”, bởi người tiêu dùng Việt Nam đang có hai yếu tố mà thế giới đánh giá cao, đó là lòng tin và sự lạc quan.
“Hiện lòng tin vào thị trường, cũng như nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt, nhưng lòng tin vào mua sắm trực tuyến thì vẫn còn thấp. Đây cũng là điểm khó khăn nhất để phát triển thị trường trực tuyến trong nước”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Lê Kim Quý, đại diện comScore Việt Nam cũng cho rằng, thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển với tốc độ vũ bão, không chỉ phát triển trên nền tảng wesite mà còn phát triển trên cả ứng dụng di động.
Tuy nhiên, việc thị trường trực tuyến phát triển nhanh chóng đã khiến nhiều đơn vị truyền thông bị rối trong việc làm thế nào để biết được, quảng cáo và tiếp thị của mình có đến đúng người tiêu dùng hay không?.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc