(VnMedia) - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chiều ngày 31/7 đã có buổi làm việc với cộng đồng startup đang làm việc tại Khu Công nghệ Phần mềm - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cùng đi có Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Dũng cùng đại diện một số Sở, ban ngành khác của Thành phố (TP).
Theo kế hoạch, trong tháng 8/2017, lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ tổ chức nhiều đợt làm việc với các cơ sở ươm tạo, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp cũng như cộng đồng khởi nghiệp (startup) trên địa bàn để qua đó ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các startup.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm - ĐHQG TP.HCM (ITP) cho biết, ITP được thành lập từ năm 2003 với định hướng phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng đến xây dựng trở thành trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo trong lĩnh vực CNTT-T tại Việt Nam.
Theo tiến sĩ Thi, tính đến thời điểm hiện tại, ITP đã thu hút được sự tham gia của 40 startup và doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, giúp tạo ra 300 việc làm và tiếp nhận khoảng 200 sinh viên thực tập hằng năm.
Đoàn công tác của UBND TP.HCM đã trực tiếp đến tham quan không gian nghiên cứu, làm việc của startup cá nhân Tạ Đức Toàn với giải pháp nhà máy thông minh iFACTORY, công ty phát triển giải pháp nhà thông minh WorldTech, nhóm Mimosatek với giải pháp ứng dụng công nghệ cao và IoT vào sản xuất nông nghiệp,...
Tại buổi làm việc, đại diện các startup đã gửi đến lãnh đạo TP nhiều kiến nghị thiết thực, trong đó chủ yếu xoay quanh việc hỗ trợ tiếp thị sản phẩm đầu ra với đối tác.
Về phía ITP, PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho rằng tài chính, thông tin và con người là 3 nguồn vốn cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp, song quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn con người.
Lẽ dó, theo lời tiến sĩ Thi, cần có cơ chế hỗ trợ các startup xây dựng và kết nối với 3 nguồn vốn kể trên, từ đó hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Phó Chủ tịch thường UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định, chính quyền TP luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cộng đồng startup phát triển, đặc biệt ở nhóm ngành có ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ cao và tự động hóa.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh quan điểm rằng các doanh nghiệp startup sau khi đã tạo ra sản phẩm để thương mại hóa thì cần chú trọng đến việc tiếp tục quan tâm đến khâu phát triển, cải tiến sản phẩm hơn nữa để luôn giữ được tính mới, tính sáng tạo trong các sản phẩm của mình, nhằm tránh tình trạng tự tụt hậu.
Hay nói cách khác, theo lời ông Liêm, đã nói đến khởi nghiệp là phải dựa trên tinh thần của đổi mới sáng tạo, phải tạo ra những sản phẩm chưa có trên thị trường, hoặc nếu đã có thì phải cải tiến sản phẩm ấy để hướng đến mục tiêu là chiếm lĩnh toàn bộ phân khúc thị trường đó.
Cùng quan điểm đó, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng, đổi mới sáng tạo là nền tảng để khởi nghiệp thành công, và một trong những yếu tố quan trọng giúp kiến tạo thành công cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là phải có sự hợp tác, chia sẻ tri thức.
"Đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu để phát triển xã hội, trong đó tinh thần đổi mới sáng tạo chính là giá trị cốt lõi của khởi nghiệp (startup)", ông Dũng nói.
Tính đến thời điểm cuối tháng 7/2017, được sự đồng ý của UBND Thành phố, Sở KHCN TP.HCM đã chủ trì thành lập 4 Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp của nhóm ngành trọng điểm như CNTT-VT, Cao su - Hóa - dược, Chế biến lương thực - thực phẩm, và Cơ khí. Sự ra đời của 4 ban điều hành hệ sinh thái này xuất phát từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM. |
Tin, ảnh: Vĩnh Khánh
Ý kiến bạn đọc