(VnMedia) -
Thủ tướng nhắc nhở vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt người dân rất lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng các vụ việc xảy ra gần đầy liên quan đến an toàn tàu chạy... Đó là một trong 6 nội dung Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt VN báo cáo, làm rõ.
Sáng 14/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ quan thứ 31 Tổ công tác đến kiểm tra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo, làm rõ 6 nhiệm vụ.
Cụ thể, thứ nhất, về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên so với 2015 giảm 12%. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng, yêu cầu Tổng công ty tính toán để nâng sức cạnh tranh.
Thứ hai, Thủ tướng nhắc nhở vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt người dân rất lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng các vụ việc xảy ra gần đầy liên quan đến an toàn tàu chạy, gây hư hỏng toa xe, kết cấu hạ tầng gây thiệt hại về người…
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác Chính phủ với Tổng Công ty Đường sắt. Ảnh:VGP |
Thứ ba là việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội hóa các dịch vụ hạ tầng. Thứ tư, cần phải quan tâm đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có. Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, cần có giải pháp duy trì an toàn, tập trung khai thác tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể.
Thứ năm, Thủ tướng nhắc nhở Tổng công ty về công tác tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang, nhất là việc phối hợp với địa phương xây dựng các đường gom.
Thứ sáu là vấn đề cổ phần hóa. Tổ công tác cho biết Tổng công ty đã làm khá sớm nhưng việc thoái vốn đến nay chưa đạt yêu cầu, mặc dù có thể do sự hấp dẫn, do thị trường nhưng phải đẩy mạnh thực hiện.
Ngoài 6 vấn đề nêu trên, Tổ công tác của Chính phủ cũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty báo cáo toàn bộ các giải pháp bảo đảm vấn đề tăng trưởng, thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng. Cụ thể là các giải pháp tăng sản lượng, doanh thu vận tải để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ năm 2017 là 7,19% và khách du lịch tăng trên 30%.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty rà soát lại toàn bộ chương trình mục tiêu, giải quyết gói 7.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt và báo cáo tiến độ. Thủ tướng giao Bộ GTVT rà soát các điểm ngang, đường đi dân sinh, rà soát các điểm đen tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Tổng Công ty đường sắt, trong 57 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đã thực hiện 56 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ chưa thực hiện, quá hạn là việc kết nối tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thừa nhận ngành đường sắt đang cạnh tranh gay gắt với hàng không, đường thủy, đường bộ… Giá vé phụ thuộc nhiều vào hạ tầng ngành đường sắt. Trong khi đó, lãnh đạo, cán bộ của ngành đường sắt còn tư duy bao cấp.
Ông Vũ Tá Tùng cho biết: “Lãnh đạo, Giám đốc các đơn vị thành viên cũng cố thoát ra khỏi tư duy bao cấp, muốn phát triển nhưng cả một hệ thống, hoạt động trong guồng máy nên không phải ngày một ngày hai là có thể thay đổi".
Theo báo cáo của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã đạt nhiều thành tựu, như doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới đạt 45,1% kế hoạch năm. Tổng công ty có nhiều giải pháp tổ chức sản xuất, đặc biệt đã áp dụng một số công nghệ mới.
Tiến Nguyễn
Ý kiến bạn đọc