(VnMedia) -
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu Việt Nam đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường đều cao, hoa quả trong nước đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ; Nhật Bản, Hàn Quốc...
Hoa quả Việt Nam đã thâm nhập vào nhiều thị trường lớn
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong 6T tháng đầu năm đã đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8%, là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản); và tăng cao qua các tháng.
Đóng góp vào thành tích nổi bật trên là mức tăng trưởng cao của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản. Trong đó, than đá (tăng 326%), dầu thô (tăng 36,2%), xăng dầu các loại (31,2%) do chủ yếu do giá xuất khẩu các mặt hàng tăng cao, đặc biệt là than đá có sự tăng trưởng đột phá cả về lượng xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao và ổn định của các ngành nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, có quy mô xuất khẩu lớn đã đóng góp vào mức tăng chung của nhóm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 45,8%; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…
Xuất khẩu xơ sợi là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may với mức tăng trưởng mạnh 26,5% so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch đạt 1,67 tỷ USD), tăng mạnh ở 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc do kết quả của FTA ASEAN - Trung Quốc và FTA Việt Nam – Hàn Quốc (sợi xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất 0%, trong khi hai đối thủ trực tiếp là Ấn Độ và Pakistan chịu mức 3 - 5%).
Đáng chú ý, đóng góp vào thành công về tăng trưởng của nhóm hàng nông lâm thủy sản là do, công tác phát triển và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ kết quả của các đoàn ngoại giao cấp cao nước ta thời gian qua.
Chẳng hạn, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài),...
Về thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường đều cao, đặc biệt là các thị trường có FTA với Việt Nam như xuất khẩu sang ASEAN; Hàn Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 28,6%, Trung Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 42,9% (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,3%); Nga đạt 1 tỷ USD, tăng 34,4%.
Bên cạnh những thành tích trên, Bộ Công Thương cũng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ đạo (72,1%) và có mức tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, tăng 20,4% (kể cả xuất khẩu dầu thô).
Nhập khẩu các loại rau đang tăng mạnh
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của nhóm cần nhập khẩu đạt 89,7 tỷ USD, chiếm 89,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Trong 6 tháng, rau quả nhập khẩu tăng mạnh do các loại trái cây tại Việt Nam đang trong giai đoạn mất mùa, trước ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn nên nguồn cung trái cây trong nước bị hạn chế.
Cùng với đó, việc giảm thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung và trái cây nói riêng, làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả nên giá thành trái cây nhập khẩu giảm. Điển hình như thuế nhập khẩu theo cam kết của Việt Nam tại các FTA như ATIGA, AANZFTA, ACFTA, AKFTA, VKFTA… đều là 0% cho các loại trái cây; chỉ cần giấy kiểm dịch. Doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trái cây từ Thái Lan, để chế biến và tái xuất gồm sầu riêng và nhãn…
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, nhập khẩu tiếp tục tăng cao từ khu vực thị trường châu Á (tăng 23,8%), đặc biệt là mức tăng cao kỷ lục từ thị trường Hàn Quốc (51,3%). Nguyên nhân chủ yếu là nhập khẩu phục vụ máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất của nhà máy Samsung.
Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ước là 2,78 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn mức nhập siêu theo mục tiêu cả năm là 3,5% so với kim ngạch xuất khẩu).
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc