(VnMedia) –
Theo nhóm nghiên cứu MAF, thị trường Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản.
Việt Nam cần có thêm nguồn hàng tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài
Theo nhóm nghiên cứu MAF (bao gồm những chuyên gia nghiên cứu độc lập đến từ IMAA, Diễn đàn M&A Việt Nam, Đại học Việt Nhật - VNU và một số tổ chức tư vấn M&A tại Việt Nam), thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn nhiều cơ hội. Tuy vậy thách thức và những khó khăn cũng còn không ít.
Theo đó, những nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức tư vấn cũng liệt kê ra nhiều hạn chế cho sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam.
Trong đó có thể kể đến, chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn. Vốn điều lệ của đa số các doanh nghiệp niêm yết tại Việt nam mới ở mức 50-80 tỷ, tương đương 2-4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5-10 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn và có sức cạnh tranh yếu, nên cũng không phải là đối tượng được quan tâm của các nhà đầu tư.
Cùng với đó, tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao. Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần; nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp. Trong khi hiện các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh.
Một điểm nữa cũng được tổ chức này đưa ra là, Báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch tại các doanh nghiệp. Đây là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại.
“Hiện nay đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hình thức kế toán hai sổ, điều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khan cho các nhà đầu tư nước ngoài”, nhóm nghiên cứu MAF nêu.
Cũng theo nhóm nghiên cứu MAF, yếu tố văn hóa đã gây trở ngại cho các giao dịch M&A. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với việc có cổ đông ngoại hoặc có thêm sự quản lý người nước ngoài.
Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kỳ vọng bán được với giá cao, khi gặp đối tác nước ngoài. Đây là một yếu tố cán trở đến M&A tại Việt Nam do hai bên không thống nhất được giá.
Đưa ra các yếu tố để thúc đẩy các dòng vốn M&A tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu MAF cho rằng, thị trường Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần của nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
“Hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện, tháo dỡ rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A”, nhóm nghiên cứu MAF bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cả nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân, cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin nhằm ra quyết định đầu tư.
Khối ngoại tiếp tục dẫn dắt thị trường
Thống kê của nhóm nghiên cứu MAF cho thấy, đa số các thương vụ M&A có quy mô lớn (>20 triệu USD) gần như đều có mặt của bên mua hoặc bên bán là nhà đầu tư ngoại. Các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm 77% về tổng giá trị M&A tại thị trường Việt Nam.
Điển hình trong số này là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Trong một số lĩnh vực như bất động sản hoặc sản xuất, đã bắt đầu có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc.
Các doanh nghiệp đến từ Singapore tập trung vào việc mua lại các dự án và bất động sản tại TP Hồ Chí Minh như Duxton Hotel Saigon, Empire City, Somerset Vista HCM, Kumho Asiana Plaza.
Các doanh nghiệp đến từ Thái Lan tập trung vào mảng bán lẻ và sản xuất với 2 thương vụ lớn đó là Central Group mua lại Big C và Singha trở thành nhà đầu tư chiến lược của Masan. Trước đó, TCC cũng đã mua lại hệ thống Metro tại Việt nam. Như vậy, hai chuỗi siêu thị lớn tại Việt nam đều đã thuộc về sở hữu của nhà đầu tư Thái Lan.
Ngoài lĩnh vực bán lẻ, năm 2016 chứng kiến 2 thương vụ lớn trong ngành vật liệu, khi tập đoàn SCG của Thái Lan mua lại các nhà máy xi măng trong đó có nhà máy xi măng Holcim của tập đoàn LafargeHolcim.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng có thương vụ M&A đáng chú ý trong ngành bán lẻ khi CJ mua cổ phần của Cầu Tre và Deasang mua Công ty thực phẩm Đức Việt với giá trị 33 triệu USD. Singhan Bank cũng thế hiện nỗ lực của nhà đầu tư Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam với thương vụ mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc